Hậu quả của những nội dung độc hại trên Tiktok đối với trẻ em

Hiền – Long
25/04/2023 - 10:54
Hậu quả của những nội dung độc hại trên Tiktok đối với trẻ em

Trào lưu phá hoại trường học trên Tiktok. Ảnh: NYT

Những trò chơi khăm, những “trend” (xu hướng) độc hại trên nền tảng mạng xã hội Tiktok đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành động của trẻ em.
Bài 1: Lo sợ con trẻ mất đi sự ngây thơ
Chưa biết "cai nghiện" Tiktok cho con thế nào

Chị Nguyễn Hương Trà (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trước đây chị thường cho con gái 6 tuổi mượn điện thoại để xem Tiktok, thỉnh thoảng thấy con bắt chước một vài câu nói, một điệu nhảy hay một bài hát đang "hot trend" trên Tiktok cũng vui cửa vui nhà. 

"Nhưng một hôm tôi vô tình phát hiện ra, con gái cố tình kéo áo lên cao để hở khoảng bụng trên rốn, rồi đứng trước gương uốn éo, miệng nhẩm theo một điệu nhạc. Hỏi con đang làm gì thì con nói đang học điệu nhảy trên Tiktok vì thấy hấp dẫn", chị Trà kể.

Chị Trà chia sẻ thêm, bản thân khá lo lắng khi thấy con gái mới 6 tuổi của mình đã thích ăn mặc hở hang và tỏ ra thích thú với xu hướng này trên mạng xã hội. Chị sợ rằng những suy nghĩ đó sẽ tác động đến sự phát triển của con, khiến con mất đi sự thơ ngây, thậm chí đó có thể là một trong những tác nhân khiến con bước vào ngưỡng cửa dậy thì sớm. 

Từ khi phát hiện con hay học theo các trào lưu trên Tiktok, tôi ít cho con sử dụng điện thoại, chỉ đôi lúc cho con chơi game dưới sự giám sát của người lớn. Trên điện thoại, tôi cũng đã xóa ứng dụng Tiktok", chị Trà nói.

Chị Ngô Hoài Phương (Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, mặc dù biết trên Tiktok có nhiều nội dung có tác dụng tiêu cực đối với trẻ em nhưng hiện tại chị chưa nghĩ ra cách gì để "cai nghiện" cho cậu con trai hơn 3 tuổi. 

"Mỗi khi cho con ăn, thằng bé cứ nằng nặc đòi điện thoại để xem Tiktok. Nếu mình không đưa điện thoại thì con khóc, bỏ cơm. Thương con nên tôi đành phải mở ứng dụng này. Mới tập nói mà cháu đã dùng các từ tục, học được trên Tiktok", chị Phương lo lắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, có nhiều phụ huynh đã cấm con mình sử dụng Tiktok vì lo lắng những nội dung xấu, độc sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tư duy của trẻ. Tuy nhiên, trẻ vì "nghiện", vì xem theo thói quen mà vẫn lén phụ huynh để trải nghiệm mạng xã hội này.

Các trào lưu đáng sợ

Vào tháng 9/2021, một trào lưu kỳ quặc trên Tiktok lan truyền tại nhiều quốc gia, đó chính là trào lưu đập phá, lấy cắp tài sản trong trường học. Các thiết bị trong trường học từ hộp đựng xà bông, nước rửa tay, giấy vệ sinh, gương nhà vệ sinh, tới thiết bị báo cháy hay các món đồ trên bàn giáo viên, đều bị lấy đi hoặc bị hủy hoại. Việc này được các em học sinh quay lại để khoe trên Tiktok và gắn hashtag #deviouslicks và #diabolicallicks. 

Dần dần, các em học sinh nâng mức độ "hung hăng" hơn khi quay các clip tháo gỡ gạch, lan can và cả bồn cầu trong nhà vệ sinh trường học. Ban đầu có gần 100 ngàn clip được gắn các hashtag này, theo trang Know Your Meme (Mỹ) nhưng đã được ngăn chặn bớt. Tuy nhiên, sau đó, rất nhiều clip tương tự vẫn được tìm thấy. Điều nguy hiểm là các clip này thu hút rất đông lượt người xem.

Trào lưu mài răng và ăn ngô được gắn trên máy khoan điện là một trong các trào lưu ghê rợn nhưng cũng khiến trẻ em tò mò theo dõi. Trên Tiktok đã từng xuất hiện clip 1 bạn thiếu niên khởi động máy khoan đã cắm bắp ngô, sau đó há miệng. 

Chỉ ít giây sau, bắp ngô vừa chạm vào miệng đã khiến 4-5 chiếc răng cửa văng ra luôn. Đây chỉ là 1 trong số clip thể hiện tai nạn của trào lưu mài răng này. Và thật đáng sợ là các clip kiểu này lại khiến trẻ dưới 16 tuổi háo hức theo dõi.

"Thử thách ngạt thở" (Blackout Challenge), 1 trào lưu khác trên Tiktok cũng đã "càn quét" trên mạng xã hội này một thời gian. Người chơi được khuyến khích dùng các vật dụng trong nhà như sợi dây nào đó có sẵn trong nhà, sau đó siết cổ cho tới khi cảm thấy ngạt thở vài giây và tỉnh lại. 

Vào ngày 13/5/2022, trang SCMP đã đưa tin gia đình của 1 cô bé 10 tuổi đã kiện Tiktok Inc. vì cô bé này được cho là đã thực hiện "Thử thách nghẹt thở" trên trang mạng xã hội Tiktok. Khi được phát hiện ra, cô bé được đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn. Sau 5 ngày trong phòng cấp cứu, cô bé đã tử vong. 

"Đã tới lúc đặt dấu chấm hết cho các thử thách nguy hiểm này để không còn gia đình nào trải qua nỗi đau như chúng tôi", mẹ của bé gái cho biết.

Thuật toán của Tiktok sẽ đưa các clip được nhiều người theo dõi lên trang, và như vậy, việc tiếp cận với các trào lưu clip cùng các thử thách đáng sợ, nguy hiểm ngày càng được lan truyền nhanh chóng. Với sự tò mò, thích khám phá, chưa đủ nhận thức được nguy cơ và tác hại của các hành vi, trẻ em trở thành nạn nhân của chính mình.

Bài sau: Phụ huynh và trẻ em "đối phó" với Tiktok

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm