Hậu trường nghề xuất bản 100 năm trước

Bảo Minh
06/05/2023 - 17:03
Hậu trường nghề xuất bản 100 năm trước

Tác phẩm "Những con chữ ngoài trang sách"

Tác phẩm “Những con chữ ngoài trang sách” của Trần Đình Ba với nhiều chuyện hậu trường nghề xuất bản cách nay cả trăm năm là một tài liệu hữu ích giúp độc giả hồi cố về lĩnh vực xuất bản trong gần 1 thế kỷ.

NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa giới thiệu cuốn sách Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba, xoay quanh một quãng lịch sử ra đời, phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam, kể từ khi kỹ thuật in chữ rời bằng máy của phương Tây du nhập sang nước ta vào nửa cuối thế kỷ XIX cho đến năm 1945.

Những con chữ ngoài trang sách được chia thành 3 phần, trong đó phần 1 Phía sau những trang sách và phần 2 Vui buồn giấy mực là những bài viết theo dạng chủ đề xoay quanh hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách. Phần 3 - Cảo thơm lần giở viết về các tấm gương xưa ham đọc, coi trọng sách vở cùng quan điểm về vai trò của sách, của việc đọc sách từ vua Lê Thánh Tông, Minh Mạng cho đến Thiếu Sơn, Thạch Lam…

Nhiều tên tuổi của làng văn, làng báo cũng liên đới tới hoạt động xuất bản, góp phần định danh làng sách trước đây trong tư cách là tác giả (Trương Vĩnh Ký, Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương…) hoặc dịch giả (Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…), hoặc người làm xuất bản (Vũ Đình Long, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đức Chính…) cũng được sách đề cập tới.

Tác giả Trần Đình Ba

Tác giả Trần Đình Ba

Với gần 50 bài viết có dung lượng vừa phải, tác giả Trần Đình Ba triển khai đề tài về in ấn, xuất bản và phát hành sách của Việt Nam thời gian này tập trung vào những câu chuyện cụ thể. Đó là những câu chuyện đơn thuần của xuất bản như "Xuất bản theo lối mới" viết về kỹ thuật in chữ rời của phương Tây du nhập vào nước ta qua sự ra đời ban đầu của các nhà in nhà nước; hoạt động xuất bản phát triển rầm rộ khắp 3 kỳ Bắc - Trung - Nam của các nhà xuất bản tư nhân; sự đa dạng trong việc bán sách với những cách quảng cáo thông minh qua báo chí, qua bìa sách. Thậm chí, cách để những người làm xuất bản thời xưa chống lại nạn sách gian, sách giả thông qua việc ký tên, đóng dấu, xác nhận bản quyền trên bìa…

Nhiều vấn đề liên quan in ấn, xuất bản cũng được đề cập giúp độc giả hiểu rõ hơn về hoạt động xuất bản. Nhuận bút của tác giả được tính như thế nào? Giá sách so với giá sinh hoạt thời đó ra sao? Ngay cả việc quảng cáo trên sách, cũng được đề cập với nhiều thông tin bất ngờ. Có cả sách quảng cáo thuốc trị trứng cá ngay trên bìa 1 như sách Loạn Thái Nguyên số 2, xuất bản năm 1935. 

Ngoài những xuôi chèo mát mái của người làm xuất bản với hoạt động rầm rộ của các nhà xuất bản Tân Dân, Mai Lĩnh, các hiệu sách do những nhà nghiên cứu, nhà văn nhà thơ mở (Hải Triều, Nguyễn Công Hoan, Lê Duẩn…), nghề này còn chứng kiến những thất bại của một số tên tuổi lấn sân từ viết lách kiêm nghề xuất bản như Tản Đà, Phạm Cao Củng, Nguyễn Đức Chính… Vất vả, thậm chí khắc nghiệt hơn nữa, có những trường hợp sách xuất bản bị hệ thống kiểm duyệt thực dân, phát xít thu hồi như Trần Huy Liệu, Phan Văn Hùm… Có tác giả còn phải ra tòa như Phạm Tất Đắc vì xuất bản thơ Chiêu hồn nước

Lần mở Những con chữ ngoài trang sách, bức tranh xuất bản Việt Nam trong gần một thế kỷ hiện lên rất sống động, chân thực. 

Tác giả Trần Đình Ba quê ở Thanh Hóa, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Một số tác phẩm đã xuất bản: Nhà Lê sơ (1428-1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân, mọt nước"; Việt án lần theo trang sử cũ; Đằng sau mặt báo (Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945)…
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm