Dám làm sẽ thành công
Có một thực tế, nhiều bạn trẻ chọn thi đại học theo đám đông, cho tới khi học rồi mới thấy mình không hiểu và không có hứng thú gì về ngành đó. “Bão” đã mời các nhân vật đến nói chuyện cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm để bạn trẻ tìm hiểu về 4 ngành nghề là nhảy, nhiếp ảnh, thiết kế thời trang và diễn xuất.
Theo nhiếp ảnh gia Hoàng An (Mic Nguyễn), ban đầu, anh cũng chưa nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề nhiếp ảnh. Sau lần được tặng một chiếc máy ảnh, anh đã mày mò chụp và phát hiện ra, mình có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Theo anh, có thể mình chọn nghề nhưng cũng có thể nghề tự tìm đến với mình, miễn là bạn trẻ nhận thấy cơ hội, niềm đam mê để nắm giữ lấy.
“Hãy làm nghề gì mà bạn đam mê, vì có đam mê bạn sẽ làm được tất cả”- đây cũng là quan điểm của nhà thiết kế trẻ tuổi Lê Trần Vân Khánh. Mặc dù con đường phía trước của Vân Khánh còn dài, nhưng, hiện Khánh đã đạt được một số thành công nhất định như đóng góp 1 bộ sưu tập trong Anvii Fashion Show của xưởng thời trang Anvii 2016; là leader team 2 trang phục - Backstage Vietnam International Fashion Week 2016. Khánh cho rằng, không có nghề nào là nhàn nhã mà muốn làm nghề giỏi, bạn trẻ đều phải học tập, nỗ lực cố gắng.
Tương tự, diễn viên Thanh Sơn, Nhà hát Tuổi trẻ, đóng vai Khôi trong bộ phim “Cả một đời ân oán” phát sóng trên VTV3 lại chia sẻ, anh nhận thấy mình có năng khiếu nghệ thuật nên đã dự thi vào trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Khi hay tin, ông nội anh lại phản đối với lý do gia đình anh không có “gen” làm diễn viên.
Rất may là anh đã được bố ủng hộ vì ông hiểu rằng, chỉ có làm ngành gì mà bản thân đam mê thì mới thành công. Câu chuyện của diễn viên Thanh Sơn khiến nhiều người hiểu rằng, có sự ủng hộ của gia đình, bạn trẻ sẽ có thêm động lực vững bước trên con đường mình chọn.
Không thất nghiệp ngày nào
Bà Hoàng Thị Vượng có hai con đang học tập và làm việc ở Canada nhớ lại: Con trai lớn của bà từng thi đỗ vào một trường đại học top đầu quốc gia. Bà cứ nghĩ như vậy là con đang đi đúng hướng cho tới một ngày, khi con đã hoàn thành năm thứ nhất ở trường đại học, con đột nhiên nói với bà muốn thôi học. Bà đã sốc nặng, không thể nào hiểu nổi vì sao con có suy nghĩ rồ dại vậy.
Thế nhưng, con trai bà nói, cậu không hứng thú với ngành đang học và xin bà ủng hộ để chuyển sang trường đại học khác. Con bà còn giành được suất học bổng trị giá 5.000 đô la của trường, dù không nhiều nhưng cũng cho thấy con đã có nỗ lực nhất định.
Cuối cùng, bà đành đồng ý với con dẫu còn miễn cưỡng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, bà thấy con trai có sự thay đổi rõ rệt. Từ chàng trai nhút nhát, con trở nên năng động, không chỉ học tốt mà còn hăng hái tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tự tin nói chuyện trước đám đông.
Bạn Nguyễn Công Cương (sinh năm 1997, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, bạn cũng từng suy nghĩ mình nên theo học ngành gì và chọn ngành theo bằng cấp, có lương cao hay đam mê. Cuối cùng, Cương thấy rằng, đi học là để sau này lập nghiệp, mưu sinh cho chính bản thân chứ không phải cho họ hàng, bạn bè. Cương chọn học nghề Công nghệ Hàn, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc.
Tuy không có bằng đại học nhưng hiện Cương đã được nhiều doanh nghiệp “săn đón”, sẵn sàng trả mức lương cao ngay khi ra trường mà không phải ở nhà thất nghiệp ngày nào. Với Cương, đó chính là bước khởi nghiệp thành công.