pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hi hữu vụ tranh chấp quyền an táng: Ai được, ai mất?
Đại tá Bùi Quang Thanh - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - cho biết, khoảng 3 tháng trước, ông Nguyễn Bá T. (đã mất, trú huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cùng anh trai về ở quê tỉnh Vĩnh Phúc có việc. Khoảng tháng 7/2023, ông cùng anh trai từ quê về nhà ở huyện Đắk Mil.
Sau đó ông T. có dấu hiệu đột quỵ được gia đình cấp cứu nhưng đã tử vong. Mọi việc phức tạp khi em gái ông T. với sự ủy quyền của mẹ đẻ, có đơn gửi Công an tỉnh Đắk Nông đề nghị làm rõ cái chết của anh trai. Đơn của bà này cũng nêu rõ muốn cơ quan công an thực hiện việc khai quật, bàn giao thi thể ông T. để gia đình đưa về quê Vĩnh Phúc an táng. Tuy nhiên, bà S. (vợ ông T.) và 2 con của ông T. không đồng ý.
Theo cơ quan công an, quá trình xác minh tại địa phương, cán bộ hộ tịch xác định có làm đăng ký kết hôn cho ông T. - bà S. Đồng thời, 2 con của ông T. và bà S. cũng có giấy khai sinh. Tuy nhiên, cả 2 loại giấy tờ này đều không có lưu sổ hộ tịch tại xã.
Để xác định nguyên nhân tử vong, xác định huyết thống, ngày 25/10, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với chính quyền địa phương khai quật tử thi để lấy mẫu vật đi giám định nguyên nhân, xác định ADN.
Ông Bùi Quang Thanh nói thêm, qua giám định sơ bộ tử thi ông T. không có tác động ngoại lực, nguyên nhân tử vong là ngưng hô hấp tuần hoàn. Sau khi lấy mẫu vật, cơ quan công an đã an táng người quá cố trở lại nơi cũ.
Đại tá Bùi Quang Thanh cho biết, sau khi ông T. chết, giữa hai bên xảy ra tranh chấp tài sản, dẫn đến mâu thuẫn giữa em chồng - chị dâu.
Trong lịch sử nhân loại từ nhiều ngàn năm trước, an táng cho người đã khuất không chỉ là một thủ tục mà nó được nâng lên thành những nghi thức, là sự kết tinh giữa phong tục, tín ngưỡng cùng với thế giới quan của những cộng đồng người. Ở đó không chỉ là sự "thu xếp" cuối cùng cho người đã mất mà còn là những quan niệm về sự sống sau cái chết, về "những thế giới" khác, với những chiều kích tâm linh mà tộc người đó tin tưởng.
Nhưng trên hết tất cả, các thủ tục an táng đều nhằm một mục đích đem đến điều tốt đẹp cuối cùng cho người mới qua đời cũng như thể hiện tình cảm của người sống với họ. Chính vì thế, ở một mức độ nào đó, người sống thường dành những điều kiện tốt nhất có thể cho đám tang và thi thể của người chết cũng như thể hiện sự tôn trọng trong giữ gìn chăm sóc phần mộ sau này. Người Việt trong hàng ngàn năm luôn mong muốn người đã khuất được "mồ yên mả đẹp".
Trong thế giới văn minh, luật pháp các nước đều dành một phần quan trọng cho chế định nhằm bảo vệ thi thể người đã khuất cũng như phần mộ của họ, nghiêm cấm tất cả các hành vi xâm hại trái phép vì bất cứ mục đích gì.
Nhưng câu chuyện hy hữu và cũng đau lòng lại xảy ra do những mâu thuẫn từ chính những người thân và như lời khẳng định của Giám đốc Công an tỉnh: bắt nguồn từ chuyện tranh chấp tài sản thừa kế của người đã khuất.
Luật pháp, với nhiệm vụ, quy định những giải pháp, những cách giải quyết mọi vấn đề của đời sống, có nhiệm vụ phải dự liệu và "đón đầu" mọi tình huống có thể xảy ra, cho dù đó là tình huống hi hữu nhất, sác xuất xảy ra thấp nhất.
Nhưng luật pháp cho dù hoàn thiện đến đâu cũng khó lòng có thể dự liệu đầy đủ. Với tư các là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, luật pháp luôn đi sau và phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng là điều kiện kinh tế - xã hội.
Chính những "khoảng trống", những "kẽ hở" đó là cơ hội để các quy phạm khác như đạo đức, tập quán, dư luận xã hội lên tiếng trám chỗ và lấp đầy. Đây cũng là cơ hội để mỗi gia đình, mỗi con người thể hiện tình người, tình họ hàng ruột thịt và trên hết là tình đồng loại.
Người mất nếu có một thế giới khác, sẽ không thể an nghỉ và vui lòng nếu những người ruột thịt của mình tiếp tục bước vào cuộc chiến pháp lý. Ngay cả những người sống, họ sẽ được gì, mất gì sau những vụ kiện, những phiên tòa, những quyết định "thắng thua"?
Tài sản có thể chia dựa trên những quy định của luật pháp và những chứng cứ khoa học nhưng tình thân sẽ vì đó mà có thể rạn nứt, xa cách...