pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hiện vật đặc biệt mà nữ luật sư người Mỹ trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Ban Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật từ nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollader trao tặng
Nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollader từng 3 lần đến Việt Nam (lần thứ nhất vào năm 2019, lần thứ hai là năm 2023). Trong 2 lần trước, bà đã trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổng số 459 hiện vật bao gồm thư từ, báo cáo và sổ tay, ghi lại những quan điểm và tiếng nói của phụ nữ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Lần thứ 3 trở lại Việt Nam, bà Nancy Hollader mang theo một hiện vật đặc biệt gắn với sự kiện cuộc gặp gỡ của phái đoàn phụ nữ Hoa Kỳ với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam năm 1965 tại thủ đô Jakarta ( Indonesia) để trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này được xem là hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa công dân Việt Nam (phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) và Hoa Kỳ kể từ khi hai bên bắt đầu cuộc chiến.
Sáng 5/11/2024, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật đặc biệt từ luật sư Nancy Hollander - Thành viên Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965. Đó là vỏ của chai vang (tượng trưng cho tình hữu nghị và niềm hy vọng tương lai hòa bình giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ) mà bà Nancy được Đoàn phụ nữ Việt Nam tặng trong cuộc gặp mặt.
Chia sẻ về hiện hiện vật, bà Nancy kể: "Vào năm 1965, trong cuộc gặp gỡ tại Jakarta giữa Đoàn phụ nữ Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi đã được Đoàn phụ nữ Việt Nam tặng một chai rượu vang, tượng trưng cho tình hữu nghị và niềm hy vọng cho tương lai hòa bình giữa hai nước. Khi ấy, tôi đã tự hứa với mình sẽ mở chai rượu ra uống khi chiến tranh kết thúc. Đến ngày 30/4/1975, khi hay tin Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã mở chai rượu và uống cùng khoảng 10 người bạn, đánh dấu khoảnh khắc lịch sử mà hòa bình đã đến với Việt Nam. Từ đó, tôi giữ lại vỏ chai này như một biểu tượng của ký ức và niềm tin về một tương lai hòa bình và tốt đẹp hơn".
Ngoài vỏ chai rượu được nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollader coi là "tài sản vô giá", bà từng lưu giữ hơn 450 kỷ vật, hiện vật liên quan đến lịch sử, con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bảo vệ đất nước. Trước khi trao tăng lại số hiện vật đó cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nancy Hollader đã cất giữ chúng trong một chiếc hộp lớn và bảo quản rất cẩn thận suốt hàng chục năm. Riêng vỏ chai rượu được bà đặt ở vị trí trang trọng trong phòng ngủ của mình. Gần 6 thập kỷ, bà Nancy Hollader chuyển công tác qua nhiều bang, thay đổi chỗ ở nhiều lần nhưng các hiện vật liên quan đến Việt Nam luôn được bà trân trọng, gìn giữ như báu vật của mình. "Chúng như một minh chứng sống động cho tình hữu nghị và lòng can đảm, cũng niềm tin vào tương lai thống nhất của những người phụ nữ Việt Nam mà tôi đã gặp gỡ", Nancy Hollader bày tỏ.
Sau này, người kết nối để Nancy Hollader đến với Việt Nam, mang theo những hiện vật quý giá trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chính là nữ nhà văn Mỹ Lady Borton (một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, người đã sống, làm việc và nghiên cứu ở Việt Nam từ năm 1978).
Chia sẻ riêng với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Nancy Hollader nói rằng, bà mong muốn "hiện vật được về đúng vị trí của chúng". Chính vì thế, bà Nancy Hollader đã quyết định trao tặng hết các hiện vật liên quan đến con người, nhân dần và cuộc chiến tranh của Việt Nam mà bà lưu giữ cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
"Sau khi trao tặng hết số hiện vật tôi lưu giữ được cho Bảo tàng Phụ nữ, tôi chỉ giữ lại chiếc vỏ chai rượu để làm vật sở hữu của riêng mình. Với cá nhân tôi, đó là vật kỷ niệm vô giá mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Nhưng mong muốn chiếc vỏ chai (đựng rượu mà tôi và những người bạn Mỹ yêu chuộng hòa bình, ủng hộ Việt Nam đã uống mừng chiến thắng của Việt Nam, do chính những người bạn Việt Nam tặng trong sự kiện ngoại giao phụ nữ hai nước tại Jakarta) được trở về chính nơi nó xuất phát, có thể quay về với những người bạn Việt Nam, tôi đã quyết định trao tặng kỷ vật cuối cùng mình lưu giữ cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tôi tin, tại đây, kỷ vật lịch sử truyền tải câu chuyện về tình hữu nghị, sự kiên cường của phụ nữ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ này sẽ được lan tỏa đến đông đảo công chúng và các thế hệ Việt Nam", luật sư Nancy Hollader bộc bạch.
Tiếp nhận hiện vật quý từ nữ luật sư Nancy Hollader, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, khẳng định: "Chiếc vỏ chai là vật chứng quý giá gắn với câu chuyện lich sử của Việt Nam nói chung, phong trào phụ nữ Việt Nam nói riêng. Nó không đơn thuần chỉ là chiếc vỏ chai đựng rượu mà là một câu chuyện cảm động về khát vọng hòa bình, về tình yêu Việt Nam của những người phụ nữ chân chính".
Từ sinh viên trẻ tuổi nhất trong phái đoàn gặp gỡ phụ nữ Hoa Kỳ - Việt Nam đến nữ luật sư về nhân quyền
Trước khi trở thành nữ luật sư hình sự người Mỹ nổi tiếng thế giới, nữ sinh Nancy Gitlin (Nancy Hollander) đã trải nghiệm nhiều hoạt động với nhiều tổ chức vì hòa bình, trong đó có việc tham gia phong trào ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Cuộc gặp gỡ tại Jakarta năm 1965 đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của Nancy.
Bà Nancy Hollander cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân là một người thuyết trình cho đến buổi tối ở Powder Hill, khi tôi nhận ra rằng, có những điều để nói, có thể nói và nên nói. Đó là một ví dụ về sức mạnh mới mà tôi cảm thấy sau khi trải nghiệm sức mạnh và lòng can đảm của những người phụ nữ Việt Nam - những người đã bị chiến tranh tàn phá suốt 25 năm. Khi mà cuộc chiến này hay tất cả các cuộc chiến tranh khác còn làm đen tối trái đất này thì những người phụ nữ của nước Mỹ cũng cần phải tham gia cuộc đấu tranh: chúng tôi cũng phải sẵn lòng hy sinh thời gian và sức lực để biến đất nước này cũng như các nước khác thành nơi đáng sống cho trẻ em" (tạm dịch từ lá thư bà Nancy Gitlin gửi ông Leonard ngày 24/8/1965 từ Chicago, Illinois.)
Sau này, tốt nghiệp Cử nhân Luật tại trường Đại học New Mexico (năm 1978), Nancy dành tâm huyết để bào chữa cho các cá nhân, tổ chức bị cáo buộc phạm tội, trong đó có cả các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và nhân quyền. Nữ luật sư người Mỹ từng là người đại diện cho hai tù nhân chính trị tại Căn cứ hải quân Vịnh Guantanamo và giành được tự do cho một người trong số họ - ông Mohamedou Ould Slahi. Người tù nhân này đã ghi chép lại hồi ức về quá trình bị bắt giam trong cuốn nhật ký của mình. Chính Nancy Hollander đã tận tâm hỗ trợ và giúp đỡ để cuốn sách được xuất bản với tên gọi "Nhật ký Guantanamo".
Ngoài thực hành luật, bà Nancy Hollander còn tham gia giảng dạy, đào tạo tại rất nhiều ngôi trường danh tiếng ở Áo, Pháp, Mỹ, Hà Lan... Bà là tác giả của nhiều đầu sách, tài liệu về các chủ đề như bảo mật bằng chứng cho các vụ án quốc tế; tịch thu, tìm kiếm và bắt giữ bất hợp pháp; bảo vệ các trường hợp lạm dụng trẻ em, đạo đức, bằng chứng và xét xử thực hành. Bà từng là cố vấn cho Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.