Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá

Thạch Huê
13/02/2020 - 08:37
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết từ trước cho tới nay.

Chiều 12/2, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua.

Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng nhiều nhất sẽ đem lại những động lực thúc đẩy và cải thiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo được bứt phá trong thâm nhập sâu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá - Ảnh 1.

Nông dân Hợp tác xã Thanh long Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long trồng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với việc Hiệp định EVFTA được thông qua, các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của các nước thành viên thuộc EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác trao đổi thương mại; đồng thời giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; xóa bỏ thuế nhập khẩu gần 100% biểu thuế các mặt hàng mà hai bên đã thống nhất.

Bên cạnh đó, Hiệp định sẽ gia tăng đáng kể cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản; trong đó, có gạo, đường, mật ong, rau củ quả… Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết từ trước cho tới nay.

"Bên cạnh lợi ích từ thương mại hàng hóa, các cam kết về dịch vụ-đầu tư, mua sắm Chính phủ theo EVFTA cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Cùng đó, Hiệp định giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…," bà Trang cho biết thêm.

Đặt kỳ vọng rất nhiều vào Hiệp định EVFTA, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay không chỉ vấn đề dịch bệnh mà các biện pháp chống bán giá ở một số quốc gia xuất khẩu cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có chuyện xuất khẩu tôm nguyên liệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC).

Mặc dù doanh nghiệp đã chủ động hợp tác và minh bạch thông tin để tránh việc bị ảnh hưởng song doanh nghiệp và cả ngành tôm Việt Nam đều phải chịu những khó khăn nhất định. Năm nay, ngành tôm đang kỳ vọng rất nhiều vào những dấu hiệu tích cực sau khi Hiệp định EVFTA thông qua, con tôm Việt Nam sẽ được "rộng đường" xuất khẩu sang thị trường các nước EU.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá - Ảnh 2.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Ông Quang cho biết theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản từ 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực...

Từ thực tế của ngành dịch vụ viễn thông, ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong nước hiện không chỉ giữ vững thị trường mà còn có nội lực rất tốt. Hiện chỉ có duy nhất một liên doanh viễn thông là Vietnam Mobile nhưng thị phần của liên doanh này cũng không lớn. Vì thế, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ "nhảy" vào sân chơi rất khó cạnh tranh này.

Thị trường cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam đang cạnh tranh rất lớn và thay vì hạ giá thành, các nhà cung cấp cũng tăng đường truyền dữ liệu. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia sân chơi này cũng không hề dễ. Vì thế, thị trường mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia được chính là các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet," ông Vũ Thế Bình cho biết thêm.

Từ thực tiễn, ông Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO) cho rằng để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần tự tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics và chi phí logistics trong sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí của doanh nghiệp, góp phần tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia.

Vấn đề cải thiện và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin cũng cần được chú trọng. Việc sử dụng các hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu logistics, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu phải đi đôi với việc tăng cường đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn, ông Vinh nhấn mạnh.

Song song với đó là cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh và đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư, cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau (hàng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm…).

Đối với các hàng hóa khác, thị trường EU có yêu cầu cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với hàng công nghiệp và tiêu chuẩn vệ sinh động vật với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn của mình, EU đưa ra các quy định chặt chẽ về nội dung này.

Chẳng hạn, nhiều sản phẩm công nghiệp như máy móc thiết bị, đồ chơi, các thiết bị y tế, thiết bị an toàn cá nhân... phải được gắn nhãn CE (dùng cho các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thiết yếu mà luật định của châu Âu quy định) thì mới được coi là đáp ứng các quy định về an toàn, sức khỏe, môi trường và được lưu hành tại EU. Hàng nông sản và thực phẩm sẽ phải tuân thủ theo Luật Thực phẩm, Luật Thú y, quy định về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...

Trong bối cảnh đó, hạn chế của doanh nghiệp hiện nay là vẫn thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU, ít doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa có nguồn cung cấp thông tin một cách hệ thống.

Để tạm thời xử lý khó khăn này, các cơ quan chức năng lưu ý doanh nghiệp có thể sử dụng Cổng thông tin Công cụ hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cổng này sẽ cung cấp các thông tin về thuế nhập khẩu của từng nước, các loại thuế nội địa của sản phẩm như thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng. Người tra cứu có thể có những thông tin chính xác và kịp thời về tiêu chuẩn kỹ thuật thương mại của từng sản phẩm mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU.

Tham gia vào các FTA thế hệ mới, Việt Nam đã sẵn sàng bước chân vào "sân chơi" lớn, song hành với những cơ hội, có không ít khó khăn, thách thức mới đặt ra. Tuy nhiên, với thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, cùng sự tuyên truyền của các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp sẽ nắm bắt, trang bị những kiến thức cơ bản; cũng như chuẩn bị những phương án và định hướng tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

(TTXVN/Vietnam+)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm