Hiểu đúng về nhiễm khuẩn hậu sản để tránh bị stress sau sinh

27/11/2018 - 10:18
Nhiễm khuẩn hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở sản phụ sau khi sinh xuất phát từ đường sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, tử cung trong 6 tuần đầu sau đẻ. Nhiều sản phụ do chưa hiểu rõ về bệnh, dễ dẫn đến lo lắng thái quá, rơi vào trạng thái stress sau sinh.
Nhiều sản phụ sau khi sinh con vẫn bị ra máu và dịch kéo dài dẫn đến lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe của cả mẹ và con.
 
549751024.jpg
Ảnh minh họa

 

Chị Nguyễn Thị Thanh 24 tuổi (Hà Nội), mới sinh con lần đầu được 16 ngày và sinh thường tại nhà hộ sinh quận. Khi sinh con, chị Thanh được nhân viên y tế cắt tầng sinh môn để sinh thuận lợi hơn và được khâu bằng chỉ tiêu (theo lời nhân viên y tế). Tuy nhiên, hiện nay chị vẫn còn bị ra dịch, điều này khiến chị khá lo lắng, bị stress vì không biết mình có bị nhiễm khuẩn hậu sản không.
 
 
img_20181123_155726-1.jpg
Bác sĩ Lê Huy Tuấn cho biết, sản phụ không nên quá lo lắng để tránh ảnh hưởng tới tâm lý và sinh khỏe

 

 
Theo bác sĩ Lê Huy Tuấn - Chuyên ngành Sản phụ khoa (Phòng khám Thăng Long, Hà Nội) cho biết, với trường hợp của chị Thanh, đang là ngày thứ 16 sau sinh tức là vẫn đang trong thời kỳ hậu sản. Thời kỳ hậu sản là thời kỳ từ khi sinh con đến 42 ngày sau đẻ, trong thời kỳ này, sản phụ vẫn có sản dịch và có thể có chút máu trong những ngày đầu. Hết thời kỳ hậu sản, tử cung sẽ trở về trạng thái bình thường và có thể xuất hiện hành kinh trở lại, nếu có quan hệ tình dục thì có thể có thai.
 
Bệnh nhiễm khuẩn hậu sản là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục xảy ra trong thời kỳ hậu sản, tức là 42 ngày sau đẻ, bao gồm: Nhiễm khuẩn âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn, viêm niêm mạc tử cung, viêm toàn bộ tử cung, viêm tử cung phần phụ, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm khuẩn huyết.
 
Tùy từng mức độ nhiễm khuẩn mà có biểu hiện khác nhau và có cách điều trị khác nhau. Các yếu tố nguy cơ cao có thể gây nhiễm khuẩn hậu sản như do chuyển dạ kéo dài, số lần thăm khám âm đạo quá nhiều, dùng dụng cụ thăm khám không đảm bảo...vv, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể:
 
- Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung có thể thấy xuất hiện vết cắt tầng sinh môn sưng tấy đỏ, đau, sản dịch có màu bất thường như lẫn mủ, sản dịch có mùi hôi và có sốt khoảng 38 độ C đến 38,5 độ C.
 
- Đối với viêm niêm mạc tử cung, có biểu hiện sốt 38 đến 39 độ C từ 2 ngày sau đẻ. Tử cung co hồi chậm, ấn đau, sản dịch hôi có khi lẫn máu mủ.
 
- Đối với viêm toàn bộ tử cung thì đây là giai đoạn sau của viêm niêm mạc tử cung thấy tử cung to mềm, ấn rất đau có thể thấy lạo xạo như hơi và có thể ra máu ngày thứ 8 đến thứ 10, toàn thân có sốt cao.
 
- Đối với viêm tử cung phần phụ cũng xuất hiện sau viêm toàn bộ tử cung, bệnh từ tử cung phần phụ có thể lan rộng ra các bộ phận xung quanh xuất hiện khoảng từ ngày thứ 10 sau đẻ, toàn thân sốt cao, tử cung to, ấn đau, có thể đau bụng dưới và có thể gây biến chứng vỡ túi mủ vào bàng quang, âm đạo…
 
- Đối với viêm phúc mạc tiểu khung là giai đoạn sau của viêm tử cung phần phụ từ tử cung phần phụ nhiễm khuẩn lan ra các bộ phận xung quanh từ đó dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm khuẩn huyết.
 
Bác sĩ Lê Huy Tuấn lưu ý, khi mắc nhiễm khuẩn hậu sản, sản phụ phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị chứ không được tự điều trị tại nhà. Khi sản phụ ở trong giai đoạn sau sinh trước 42 ngày thì việc có sản dịch là bình thường.
 
Việc cắt tầng sinh môn là chỉ định bắt buộc đối với những trường hợp sinh con lần đầu để việc đẻ dễ dàng hơn sau đó được khâu bằng chỉ tự tiêu cho nên sản phụ không cần lo lắng. Sản phụ cần vệ sinh bộ phận sinh dục đúng và đảm bảo sạch sẽ tránh được nhiễm khuẩn. Nếu trong thời kỳ này, thấy có gì khác thường thì nên đi khám tại bệnh việm chuyên khoa sản để kiểm tra.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm