Chị Đào Thanh Khuyên (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Con trai tôi 8 tuổi, cháu được cha mẹ chiều từ nhỏ nên càng lớn cháu trở nên lười biếng. Qua lần trao đổi và học hỏi kinh nghiệm giáo dục trẻ của giáo viên với một số đồng nghiệp, tôi thay đổi cách dạy với cháu, hằng ngày tôi nghiêm khắc hơn đồng thời thường xuyên động viên, khen thưởng cháu mỗi khi cháu làm tốt một việc gì đó. Thời gian đầu, lời khen của cha mẹ khiến cháu rất cảm kích, có hứng thú và hăng hái học tập. Song, thời gian gầy đây cháu không còn mặn mà với lời khen của cha mẹ, thậm chí cháu không cảm thấy thú vị hay vui vẻ mỗi khi được cha mẹ biểu dương trước mặt mọi người”.
Khi được sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý, chị Thanh Khuyên quyết định thay đổi phương châm đối với con trai, mỗi lần khen ngợi con, chị mượn thường lời thầy cô hoặc những người hàng xóm mà cháu yêu quý để gián tiếp tác động vào cháu. Từ đó, cháu ngày càng tiến bộ rõ rệt và cảm thấy tự hào với thành quả của mình.
Trẻ dễ bị ám thị bởi người khác
Trong giáo dục trẻ, không ít phụ huynh than phiền rằng đối với con cái, lời nói của cha mẹ dường như không trọng lượng, trong khi con cái lại bị ảnh hưởng rất lớn từ người khác (trong tất cả hoạt động của con như học hành, vui chơi, lao động). Tâm lý học đã minh chứng rằng sự ám thị của người khác là rất cần thiết đối với trẻ, nhất là những người có uy tín cao và ảnh hưởng đến trẻ hàng ngày.
Chẳng hạn, thầy cô giáo chủ nhiệm, những người hàng xóm thân thiện hoặc người nào đó trong họ hàng tạo ấn tượng tốt mà bé cảm thấy quý mến, kính trọng. Sự ảnh hưởng bởi người khác đến cả lời nói, tác phong, tính cách và cả chiều hướng phát triển của trẻ. Ngược lại, đối với cha mẹ của chúng, tâm lý trơ lỳ và khi cha mẹ thiếu linh hoạt trong dạy trẻ thì chúng cảm thấy “không cần thiết” hoặc “vâng lời một cách không tự giác”. Đặc biệt, khi mà bé cảm thấy “thừa” với lời khen hoặc lời khen cũng chỉ mang tính “chủ quan” của người lớn, không có gì đáng khen ngợi thì không có tác dụng giáo dục.
Phải có kỹ năng khen ngợi tinh tế
Mượn lời của người khác để khen con cũng phải có kỹ năng nhất định nếu không lại phản tác dụng. Vì vậy, cha mẹ cần phải khéo léo, tinh tế và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo trước mỗi tình huống để khen ngợi có ý nghĩa với trẻ. Không phải bất kỳ tình huống nào cũng mượn lời người khác để khen con, bởi trẻ hiểu ra thì sẽ nảy sinh tâm lý coi thường cha mẹ hoặc cảm thấy nhàm chán và không có sức thuyết phục.
- Khen trong tình huống cần thiết: Cha mẹ chỉ mượn lời người khác khi thật cần thiết mà bản thân cha mẹ chưa thể thuyết phục được con cái. Chẳng hạn: “Cô giáo đã khen con chăm chỉ học tập ở lớp và sẵn sàng giúp đỡ bạn trong quá trình học tập và lao động”. Hoặc: “Bác Phúc khen con dạo này con rất lễ phép, gặp người lớn chào hỏi và rất thân thiện với những người xung quanh”. Điều đó, trẻ sẽ cảm thấy cần thiết và có động lực để tiếp tục phấn đấu. Bên cạnh đó, lời khen của người khác cũng giúp trẻ tự tin hơn vào năng lực của mình đồng thời cũng qua đó mà biết khắc phục những thiếu sót khuyết điểm.
- Lời khen phải làm cho trẻ tâm phục, khẩu phục: Mỗi khi dẫn lời người khác cha mẹ không nên thêm thắt, bịa đặt hoặc khen ngợi trẻ trong khi chúng không có thành tích gì. Điều đó sẽ càng ngày làm cho trẻ không thấy được ý nghĩa gì trước sự khen ngợi, thậm chí chúng còn cảm thấy bị lừa gạt và bắt chước sự dối trá từ chính người lớn.
- Lời khen phải được kiểm nghiệm: Khi trẻ cảm thấy được người khác ghi nhận chính thành quả của mình thì chúng càng tích cực hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện lười biếng và không chuyển biến trong quá trình hoạt động thì cũng nên điều chỉnh cho phù hợp và cách mượn lời người khác cũng cần có sự thận trọng. Thường xuyên kiểm chứng hiệu quả của việc sử dụng lời khen trực tiếp và gián tiếp, nếu trẻ tiến bộ cần phát huy hơn nữa.
Có thể nhận thấy rằng, mượn lời người khác trong giáo dục trẻ là cần thiết, nếu vận dụng khéo léo đó sẽ là phương pháp giáo dục hay. Song, tránh máy móc mà dễ dẫn đến nhàm chán. Tùy vào từng trường hợp cụ thể của trẻ và theo độ tuổi nhất định để tác động. Cũng đừng bao giờ để trẻ nhận ra đó là thể hiện sự bất lực của người lớn, thần tượng của con tốt nhất chính là hình mẫu từ cha mẹ.