Hiệu quả từ mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thanh Huyền
11/11/2022 - 14:55
Hiệu quả từ mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” mang lại hiệu quả

Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” do Hội LHPN tỉnh Bến Tre triển khai được xem là biện pháp hữu hiệu giúp người dân lao động tự do chủ động để dành nguồn tài chính an tâm thụ hưởng lúc tuổi già, không phải trông cậy vào con cháu.

Lan tỏa mô hình heo đất tiết kiệm

Hội LHPN tỉnh Bến Tre cho biết, việc tổ chức triển khai mô hình "nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện" nhằm khuyến khích, vận động người dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, tạo điều kiện chăm lo, bảo vệ tốt nhất cuộc sống của người dân, "không để ai bị bỏ lại phía sau". Mô hình triển khai cho đối tượng là cán bộ, hội viên, phụ nữ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức triển khai thực hiện mô hình đến các huyện, thành phố. Qua triển khai, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tặng hơn 100 con heo đất cho các xã, thị trấn để về thành lập mô hình tại địa phương.

Hiệu quả từ mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 1.

Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức triển khai thực hiện mô hình đến các huyện, thành phố

Hình thức thực hiện là mỗi xã chọn và thành lập ít nhất 1 tổ hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi heo đất (10 người/1 tổ) và hàng ngày, cán bộ, hội viên phụ nữ tích góp một khoản tiền chi tiêu, tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày để bỏ vào ống heo tiết kiệm, ít nhất 10.000 đồng/1 ngày để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức lựa chọn đóng thấp nhất là 1,5 triệu đồng, tương đương số tiền đóng hàng tháng là 297.000 đồng/1 tháng (đã trừ phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ). Hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và mức đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến kỳ sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng bảo hiểm xã hôi tự nguyện tương ứng với mức lựa chọn đóng đăng ký.

Bước đầu, mô hình được tổ chức thí điểm mỗi huyện, thành phố thành lập ít nhất 1 tổ tham gia mô hình trong tháng 9/2022 sau đó triển khai nhân rộng các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố thực hiện mô hình nghiêm túc, hiệu quả và duy trì liên tục khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; làm sao cho tất cả các thành viên trong tổ đều tham gia và hiểu rõ lợi ích thiết thực khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước tiên là cho bản thân, cho gia đình mình, sau đó là lợi ích chung cho xã hội.

Hiệu quả từ mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 2.

Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” được hội viên phụ nữ hưởng ứng

Nhiều giải pháp hay, hiệu quả

Theo Hội LHPN tỉnh Bến Tre, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế toàn dân và Bảo hiệm xã hội tự nguyện, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định đây là một trong những hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của Hội với mục tiêu hướng đến là mọi người nhất là hội viên phụ nữ phải được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội nên năm 2022.

Hội LHPN tỉnh Bến Tre cũng đã phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức tọa đàm chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Kết quả đến nay đã tổ chức 6/9 huyện, thành phố gồm: Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Ba Tri và Giồng Trôm với hơn 900 đại biểu tham dự.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tổ chức khảo sát, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; đã tuyên truyền vận động gần 19.700 hộ với hơn 95.000 nhân khẩu. Qua tuyên truyền đến nay có hơn 228.500 hội viên phụ nữ tham gia mua bảo hiểm y tế, đạt 95,6%.

Có 9/9 Hội LHPN các huyện/thành phố và 157/157 hội cơ sở cam kết, đăng ký vận động, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho ít nhất 2 hộ cận nghèo (mỗi hộ 2 thẻ/1 đơn vị), kết quả có gần 30.000 thẻ bảo hiểm y tế được mua.

Hiệu quả từ mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 3.

Hội LHPN tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố thực hiện mô hình nghiêm túc, hiệu quả

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Bến Tre cũng đã có văn bản đăng ký với Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc vận động xã hội hóa mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Đồng thời, đưa chỉ tiêu này vào giao ước thi đua năm 2022 của Hội Phụ nữ từ cấp huyện đến cơ sở.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tập trung một số giải pháp như thành lập mới và duy trì các mô hình xã hội hóa vận động hỗ trợ sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường các tổ, nhóm nhỏ đến tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ gia đình theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".

Phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng… đảm bảo công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện được hiệu quả.  

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre cho biết, với cách làm này, Hội LHPN tỉnh hy vọng và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội để ngày càng nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiệm y tế cho người dân nói chung, và cho hội viên phụ nữ nói riêng, đặc biệt thực hiện hiêu quả chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị Hội LHPN và Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh.

         

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm