Lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên ở thành phố Palu đã bắt đầu chôn cất các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép động đất và sóng thần tuần qua.Theo ông Willem Rampangilei, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ Thiên tai Indonesia (BNBP), ngôi mộ tập thể có diện tích 1.000 m2 đang được đào ở khu vực Poboya, Palu để chôn cất nạn nhân và sẽ được mở rộng ra tùy thuộc vào số thi thể nạn nhân xấu số được tìm thấy. "Quá trình chôn cất phải thực hiện càng nhanh càng tốt vì lý do sức khỏe của cộng đồng và tôn giáo", ông Willem chia sẻ.
Chính quyền địa phương phải gấp rút cho chôn cất thi thể các nạn nhân để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Các thi thể được đặt trong những túi màu vàng, cam và đen. Người phát ngôn của đơn vị quân sự địa phương, ông Mohammad Thorir, cho biết khu gần mộ tập thể còn có một nghĩa trang cho chính phủ quản lý và có khả năng tiếp nhận 1.000 thi thể. Tất cả các nạn nhân đều đã được chụp ảnh và ghi chú thông tin nhận dạng để người thân của họ sau này tìm thấy tung tích, xác định được vị trí chôn cất.
Theo Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), tính đến chiều 2/10, số người chết trong thảm họa kép động đất và sóng thần đã lên tới 1.234 và còn tiếp tục tăng. Phần lớn thương vong do động đất và cơn sóng thần chết người tấn công vào bờ biển Palu. Tuy nhiên, hàng trăm người đã bị chôn sống bởi hiện tượng "đất hóa lỏng" khi kết cấu đất sụp đổ do rung chấn từ động đất. "Hiện vẫn còn hàng trăm nạn nhân bị vùi trong bùn đất" ở khu vực này, phát ngôn viên BNBP Sutopo Purwo Nugroho nói về khu ngoại ô Petobo - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng đất hóa lỏng. Cả vùng gần như bị xóa sổ hoàn toàn.
4 ngày sau thảm họa, một số khu vực hẻo lánh vẫn khó tiếp cận. Tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Các nhân viên cứu hộ chật vật bởi thiếu trang thiết bị hạng nặng khi cố gắng đào bới tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát. Văn phòng Các vấn đề Hợp tác Nhân đạo của Liên Hợp Quốc cảnh báo hiện có 46.000 trẻ em và 14.000 người cao tuổi trong khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa cần sự hỗ trợ. Chính phủ Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại miền trung đảo Sulawesi trong vòng 14 ngày.
Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) Hadi Tjahjantocho biết bắt đầu từ ngày 2/10, các nạn nhân trong vụ động đất ở thành phố Palu và Donggala sẽ được chuyển đến thành phố Balikpapan trên đảo Đông Kalimantan. Balikpapan trở thành nơi trú ẩn cho các nạn nhân và những người bị bệnh, bị thương.Việc này nằm trong kế hoạch của quân đội huy động lực lượng phối hợp với chính quyền khu vực lân cận Trung Sulawesi trong công tác khắc phục thảm họa động đất, sóng thần.
Hạ viện Indonesia đã kêu gọi chính phủ, quân đội và cảnh sát quốc gia tăng quy mô hoạt động cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trong vùng thiên tai, đặc biệt cấp thiết lúc này là lập thêm bệnh viện dã chiến cũng như nơi trú ẩn cho trẻ em, phòng tránh các loại dịch bệnh có thể xảy ra.