pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ doanh nhân nữ, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường
Tại Diễn đàn Việt - Mỹ mới đây, bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca-Cola Đông Dương đã nhấn mạnh: Đầu tư vào phụ nữ là một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Hiện có hơn 50% phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo của Coca-Cola Việt Nam. Coca-Cola theo đuổi các chương trình dài hạn nhằm trao quyền kinh doanh cho phụ nữ. Coca-Cola thông qua các mô hình doanh nghiệp xã hội, sự kiện kết nối, chương trình đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thị trường quốc tế trong kỷ nguyên số hóa.
Sự hội nhập của doanh nhân nữ vừa và nhỏ
EKOCENTER được triển khai từ năm 2015. Đến nay đã có 12 trung tâm trên cả nước, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội do doanh nhân nữ lãnh đạo. Mô hình này không nhằm phục vụ lợi ích kinh tế thông qua hoạt động thương mại mà lợi nhuận thu được từ hoạt động này sẽ được phục vụ cho cộng đồng và các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, Coca-Cola cũng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam triển khai các khóa học trực tuyến. Qua đó cung cấp cho phụ nữ địa phương những kiến thức cơ bản về kinh doanh: Khởi nghiệp, quản lý tài chính, hỗ trợ phụ nữ tự kinh doanh tại nhà, khởi sự doanh nghiệp nhỏ để nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình và cộng đồng.
Năm 2020, Coca-cola làm việc với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ tại địa phương. Mặt khác, tập trung vào các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Gìn giữ môi trường sống
Giá trị kinh tế cần song hành với giá trị bền vững. Trao quyền cho phụ nữ để có cơ hội tốt hơn trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế cần bao gồm cả giá trị về môi trường sống.
Coca-Cola và tổ chức phi chính phủ GreenHub đã và đang thực hiện dự án Mạng lưới Hành động Nhựa. Trong dự án, phụ nữ địa phương được cung cấp kiến thức về quản lý và tái chế chất thải nhựa cũng như các cơ hội biến rác thành tiền.
Chỉ sau 1 năm hoạt động, mô hình kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ từ dây nhựa tại địa phương đã giúp tái sử dụng/tái chế 4 tấn rác thải nhựa. Từ đó mang lại doanh thu khoảng 100 triệu đồng và tạo việc làm lâu dài cho 52 phụ nữ địa phương với thu nhập hàng tháng từ 4 đến 5 triệu đồng.