pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ phát triển sản xuất, nuôi trồng dược liệu
Sản xuất dược liệu ở Lâm Đồng. Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 112/TB-VPCP ngày 4/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia về Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn các chuyên gia trong lĩnh vực dược đã có nhiều ý kiến xác đáng, có giá trị đóng góp cho Dự thảo Chiến lược. Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến về Dự thảo Chiến lược, gửi về Bộ Y tế để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới để rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược, nhất là xác định rõ hướng đi, tận dụng cơ hội khi hội nhập ngày càng sâu rộng, có cách tiếp cận để ngành dược Việt Nam từ trình độ trung bình hiện nay lên mức cao hơn và đi nhanh lên hiện đại.
Phải xác định rõ mục tiêu từng khâu
Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh và xác định rõ mục tiêu cho từng khâu, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả kinh tế và phù hợp với năng lực. Trong đó, lưu ý phát huy lợi thế của từng khâu và lựa chọn giải pháp phát triển, bảo đảm hiệu quả cho từng khâu; phải lựa chọn được những trọng tâm mà khi được tạo các điều kiện cần thiết thì phát triển có hiệu quả, ví dụ như có thể đi thẳng lên hiện đại việc phát triển thuốc sinh học, đối với lĩnh vực dược liệu có thể chỉ tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất và cung ứng.
Đồng thời, xác định rõ các tiêu chí về kinh tế, năng lực thực hiện để từ đó đề xuất, lựa chọn hướng đi, các hoạt động đầu tư cho phù hợp, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Đánh giá lại khâu sử dụng thuốc, hoạt động dược lâm sàng (trong đó lưu ý đến những tác dụng của thuốc đối với sức khỏe con người), xác định nguyên nhân làm cho chi phí thuốc tăng cao để có giải pháp phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó thực hiện hài hòa chính sách phù hợp thông lệ quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực dược của Tổ chức y tế thế giới và của các quốc gia tiên tiến, thực hiện việc công nhận lẫn nhau nhằm chuẩn hóa quá trình sản xuất và phân phối.
Hợp tác quốc tế cần được xác định là giải pháp "mũi nhọn" nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành dược Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới. Nhà nước phải xác định các tiêu chí, quy định, trong đó chia sẻ về bản quyền và công nghệ là yêu cầu tiên quyết khi quyết định các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp có công nghệ bào chế hiện đại... Cần có các giải pháp căn cơ trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các đối tác chiến lược của Việt Nam.
Nhà nước có vai trò dẫn dắt và cần có chính sách hỗ trợ để tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, khuyến khích đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực này.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, nuôi trồng dược liệu
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành để phục vụ nghiên cứu phát triển thuốc, trong đó Nhà nước là chủ đạo và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp (về đất đai, về khoa học và công nghệ...) để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu tham gia đầu tư.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nuôi trồng dược liệu, trong đó chú trọng các hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ bào chế hiện đại; thúc đẩy phát triển lĩnh vực thuốc dược liệu, y dược cổ truyền, nâng cao năng lực, hiệu quả ngành thực phẩm chức năng.
Cùng với đó, đánh giá đầy đủ và có giải pháp phù hợp đối với hoạt động phân phối, cung ứng và hạ tầng bảo quản thuốc trên tinh thần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và xã hội hóa; xác định các dự án, nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung để thực hiện đến năm 2025 và kế hoạch thực hiện đến năm 2030.
Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành dược, có sự tham gia của các bộ, ngành và một số cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp lớn.