pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc giúp phụ nữ tìm đầu ra cho sản phẩm
Hội LHPN thị xã Kinh Môn tổ chức lớp dạy cắt may cho các mẹ bỉm sữa, giúp các chị tự tin khởi nghiệp tại gia đình.
- Là một trong số địa phương đã triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" tại tỉnh Hải Dương trong thời gian qua, xin chị cho biết Hội LHPN thị xã Kinh Môn đã triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương thế nào?
Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025" của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp Hội phụ nữ triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản. Và đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Hội LHPN thị xã đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, chủ động trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nâng cao vai trò bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Trên cơ sở kế hoạch của UBND thị xã Kinh Môn và Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thị xã Kinh Môn đã sớm xây dựng kế hoạch thực hiện trong hệ thống Hội. Từ đó tổ chức và phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về nội dung của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giữ gìn và phát triển làng nghề; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế thông qua sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, câu lạc bộ, các mô hình, trên phương tiện thông tin đại chúng, trang Fanpage, Zalo, Facebook của Hội.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, Hội LHPN thị xã Kinh Môn đã hỗ trợ 73 phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh thành công; giới thiệu 30 ý tưởng tham gia dự thi, trong đó có 3 ý tưởng đạt giải cấp trung ương và 9 ý tưởng đạt giải cấp tỉnh. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực cho 105 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ về kiến thức kinh doanh; kĩ năng bán hàng; kĩ năng quản lí điều hành.
Hội chúng tôi cũng vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia tích cực trong Chương trình mỗi xã 01 sản phẩm OCOP. Giới thiệu được 12 sản phẩm nông nghiệp của thị xã lên sàn giao dịch điện tử của Bưu điện tỉnh Hải Dương. Tích cực giới thiệu, trưng bày sản phẩm của phụ nữ tại các hội chợ thương mại, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, Đại hội đại biểu Phụ nữ thị xã và Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh đó, nhằm giúp các ý tưởng khởi nghiệp thành công, việc đề xuất, kết nối từ các ngân hàng để tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có thêm nguồn kinh phí để đầu tư buôn bán, mở rộng cơ sở chăn nuôi, mua sắm thêm trang thiết bị đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Đặc biệt, việc giúp phụ nữ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững luôn được các cấp Hội LHPN thị xã chú trọng. Tổng nguồn vốn Hội đang tín chấp với các ngân hàng lên tới hơn 200 tỉ đồng. Phong trào tiết kiệm tại chỗ giúp nhau làm kinh tế được đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng với số tiền lên tới gần 13 tỉ đồng. Các hoạt động đó đã giúp cho trên 6 nghìn lượt hội viên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Trong đó, có hàng trăm gia đình hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
- Những thành công từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã tác động đến nền kinh tế địa phương nói chung cũng như các nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ cơ sở sản xuất tại địa phương thế nào, thưa chị?
Có thể khẳng định, thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nhiều chị em đã vượt khó vươn lên, tự tin mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, khởi nghiệp thành công làm giàu cho gia đình và xã hội. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo như: Hợp tác xã nông sản sạch Bạch Đằng; tổ phụ nữ trồng chuối xã Thượng Quận; tổ phụ nữ trồng hành phường Hiến Thành; trồng dưa chuột xã Lê Ninh; mô hình dịch vụ gia đình phường Duy Tân, Thái Thịnh, Long Xuyên; xưởng may túi lưới thân thiện môi trường phường An Lưu, xã Minh Hòa; mô hình sản xuất gạo sạch phường An Sinh… đã tạo việc làm lâu dài cho hàng trăm lao động nữ, nhất là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ từ 50 tuổi trở lên, phụ nữ đang nuôi con nhỏ với thời gian làm việc linh hoạt và thu nhập ổn định.
Đặc biệt là sản phẩm Thanh Long ruột đỏ của Hợp tác xã nông sản sạch Bạch Đằng (HTX do phụ nữ thị xã hỗ trợ thành lập) đã đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, sản phẩm OCOP và đã hoàn thành việc cấp 3 mã vùng cho 30ha xuất sang thị trường Úc, Mỹ, Trung Quốc. Sản phẩm gạo sạch của chị Nguyễn Thị Tuyến, phường An Sinh đã được xuất khẩu sang Đài Loan
Kết quả thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" cùng với hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần tác động từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thúc đẩy sự hợp tác liên kết phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, làm giàu cho gia đình, xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn có thu nhập ổn định, hạn chế việc phụ nữ phải đi làm xa, có điều kiện chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con tốt; tạo điều kiện cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ.
Thông qua đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội được nâng cao về mọi mặt, thích ứng với tình hình mới, bắt nhịp với xu thế mới - xu thế của công nghệ số và hội nhập toàn cầu.
- Như chị chia sẻ thì thành công của Đề án của Hội LHPN thị xã Kinh Môn khá rõ nét, vậy trong quá trình triển khai thực hiện đề án ở địa bàn nông thôn hiện nay, Hội có gặp khó khăn gì, thưa chị?
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua của chúng tôi vẫn có những khó khăn, hạn chế như: Một bộ phận cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận thức chưa đầy đủ về hoạt động khởi nghiệp; năng lực hỗ trợ phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp của cán bộ Hội cấp thị xã và cơ sở còn hạn chế.
Hơn nữa, phụ nữ nông thôn ở thị xã Kinh Môn hiện vẫn thiếu kiến thức và kĩ năng kinh doanh, khó khăn trong tiếp cận tài chính, khoa học công nghệ.
Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan và các địa phương trong hoạt động giúp phụ nữ khởi nghiệp chưa hiệu quả. Có nơi còn coi đó là nhiệm vụ của riêng Hội phụ nữ. Các chính sách hỗ trợ về vốn để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp vẫn còn có những bất cập, hạn chế, gây ảnh hưởng không ít cho chị em có ý tưởng khởi nghiệp tại địa phương.
- Để khắc phục những hạn chế trước mắt và phát triển, mở rộng mô hình kinh tế tập thể, khởi nghiệp trong thời gian tới, xin chị cho biết, Hội đã có kế hoạch gì?
Để đề án "hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" phát triển kinh tế đạt hiệu quả bền vững, các cấp Hội phụ nữ thị xã Kinh Môn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế có hiệu quả; chú trọng các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực như: Đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm; tập huấn kĩ năng lãnh đạo, quản lí, điều hành, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, kết nối thông tin, trưng bày giới thiệu ý tưởng, quảng bá sản phẩm đến với cộng đồng, giúp phụ nữ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Hội cũng sẽ tiếp tục kết nối với các tổ chức tín dụng tạo nguồn vốn vay ổn định cho phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là các ý tưởng khởi nghiệp thành công của phụ nữ tại địa phương.
Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan của thị xã và các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Tăng cường tập huấn chuyên sâu về kiến thức, kĩ năng xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh.
- Xin cảm ơn chị!