'Hoa Đất Việt và Dấu sắc vàng son' tôn vinh các nữ anh hùng dân tộc

02/02/2019 - 20:06
Với cách trưng bày mới mẻ, hiện đại, cô đọng và đi sâu vào lòng người, triển lãm "Hoa Đất Việt và Dấu sắc vàng son" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện tại Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) là một điểm nhấn đặc biệt với du khách trong những ngày đầu xuân này.
Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, đến thăm Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội), du khách không chỉ được tham quan tưởng nhớ công lao của “Nhị Vị Đại Vương” đã có công đánh đuổi ngoại xâm, dựng nền độc lập ngay từ buổi bình minh của dân tộc mà còn có dịp ngắm nhìn những tác phẩm đặc biệt được trưng bày trong hai triển lãm được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện tại khu vực đền thờ Hai Bà. Đó là Triển lãm ảnh lịch sử Hoa Đất Việt và triển lãm Dấu sắc vàng son, giới thiệu các sắc phong của các đời vua ghi nhớ công lao của hai Bà và dân làng Hạ Lôi (huyện Mê Linh).
 
img_4099.JPG
Triển lãm được tổ chức trong khuôn viên đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội

 

Triển lãm Hoa Đất Việt tôn vinh các nữ anh hùng dân tộc
 
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, triển lãm Hoa Đất Việt là ý tưởng được các cán bộ Bảo tàng ấp ủ trong một thời gian dài để chuẩn bị cho Đền Hai Bà Trưng đón nhận danh hiệu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
 
Hai Bà Trưng là những người khởi nguồn cho truyền thống phụ nữ Việt Nam, dũng cảm, kiên cường đánh giặc giữ nước. Các thế hệ phụ nữ Việt nam sau này đã tiếp nối truyền thống của Hai Bà trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
 
img_4139.JPG
Triển lãm Hoa Đất Việt giới thiệu 22 chân dung phụ nữ tiêu biểu từ thời kỳ Hai Bà Trưng trải suốt tới thế kỷ 20.

 

Triển lãm mang tên gọi Hoa Đất Việt với hàm ý mỗi người phụ nữ được trưng bày trong triển lãm như một bông hoa của đất nước Việt Nam chúng ta. Qua các thế hệ, có nhiều tấm gương phụ nữ anh hùng nhưng vì diện tích trưng bày hạn chế, nên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chỉ lựa chọn được 22 chân dung phụ nữ tiêu biểu, từ thời kỳ Hai Bà Trưng, đến thế kỷ thứ nhất và trải suốt tới thế kỷ 20.
 
img_4127.JPG
Những thông tin cô đọng, nổi bật nhất của nhân vật, để người xem dễ hiểu, dễ nhớ.

 

Điểm đặc biệt của triển lãm Hoa Đất Việt là các bức ảnh được treo dọc ngay bức tường dẫn vào đền thờ Hai Bà. Vẫn tôn trọng những nét kiến trúc đặc trưng riêng của đền, các bức ảnh thông tin trưng bày được thiết kế theo phong cách hiện đại, đã được thiết kế hiện đại và sáng tạo, truyền tải những thông tin cô đọng, nổi bật nhất của nhân vật, để người xem dễ hiểu, dễ nhớ.
 
img_4179.JPG
Lãnh đạo huyên Mê Linh và lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tham quan triển lãm

 

Tham quan triển lãm này, du khách có thể tìm hiểu được đầy đủ các thông tin về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ thân thế, sự nghiệp của hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các nghi lễ liên quan và các gương mặt anh hùng liệt nữ tiếp nối truyền thống yêu nước vẻ vang của Hai Bà từ thời phong kiến như: Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Công chúa Ngọc Hân, Đô đốc Bùi Thị Xuân… đến thời đại Hồ Chí Minh như qua chân dung các nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Ngân, Võ Thị Sáu, Truong Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định, Mẹ Suốt, Mẹ Thứ…
 
20 bức sắc phong quý được phục dựng tại Dấu sắc vàng son
 
Nằm trong khuôn viên Đền thờ Hai Bà Trưng, triển lãm Dấu sắc vàng son trưng bày những tài liệu lưu trữ quý giá, là 20 sắc phong được các đời vua ghi những công trạng, đóng góp của Hai Bà Trưng, thành hoàng làng Cốt Tung, thần Đặng Công và nhân dân làng Hạ Lôi trong việc thờ phụng, ghi nhớ công lao của Hai Bà Trưng. Sắc phong có niên hiệu sớm nhất là niên hiệu cảnh Hưng thứ 44 (năm 1787).
 
img_4363.JPG
20 bức sắc phong quý được phục dựng tại Dấu sắc vàng son

 

Giới thiệu về Triển lãm Dấu sắc vàng son, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cho biết: Qua trình phục dựng các bức sắc phong đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của Bảo tàng, bởi những người biết đọc và viết lại chữ Hán Nôm ở Việt Nam chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các nghệ nhân đã phải dành toàn bộ thời gian và tình cảm để nghiên cứu các bản sắc phong gốc và viết lại trên giấy dó truyền thống để viết lại 20 trong số 23 bức sắc phong. Ngắm nhìn những bức sắc phong này, những người biết chữ Hán Nôm có thể thấy chữ viết đúng và đẹp đến 90, 95% so với bản sắc phong gốc.   
 
img_4339.JPG
Bà Nguyễn Hải Vân, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu về quy trình phục dựng các bức sắc phong với ông Đỗ Đình Hồng – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mê Linh

 

Nghiên cứu thực hiện hai chương trình triển lãm trong một thời gian khá dài, thử nghiệm qua rất nhiều phương án, vào những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, huyện Mê Linh và Đền thờ Hai Bà Trưng đã chính thức giới thiệu Hoa Đất Việt và Dấu sắc vàng son tại khu vực đền thờ Hai Bà, để những người dân Việt Nam và du khách quốc tế thêm hiểu và tự hào về truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.
 

Đền thờ Hai Bà Trưng còn có tên gọi là đền Hạ Lôi. Ngôi đền linh thiêng này gắn liền với sự tích Hai Bà Trưng, 2 vị liệt nữ anh hùng của dân tộc đó là Trưng Trắc và Trưng Nhị - những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị nhà Đông Hán vào những năm 40-43 sau công nguyên và giành lại nền độc lập tự chủ của đất nước. 

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng mở hội chính từ mùng Sáu đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch, được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương. Ngoài ra, còn có những ngày lễ truyền thống như: Ngày Mồng tám tháng Ba Âm lịch là ngày hóa của Hai Bà Trưng (ngày mồng 8 tháng 3 năm Quý Mão, năm 43 Sau Công nguyên). Ngày Mồng một tháng Tám Âm lịch, là ngày sinh của Hai Bà Trưng, (ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất, năm 14 Sau Công nguyên). Ngày Mồng mười tháng Mười một Âm lịch là ngày giỗ ông Thi Sách (chồng Bà Trưng Trắc)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm