Công nghệ chuyển ngữ 'san bằng' rào cản ngôn ngữ

12/09/2015 - 11:44
Những ứng dụng dịch “siêu đẳng” khiến rào cản ngôn ngữ dần bị “san bằng”.
“HẬU SINH KHẢ ÚY”
Mới nhất chính là công nghệ chuyển ngữ trực tiếp ngay tức thì vừa có mặt trong Skype trên Windows 8.1. Lần đầu tiên, công nghệ này xuất hiện tại Hội thảo Code với tên gọi “Skype Translator”. Nó cho phép dịch thuật trong thời gian thực (real-time) nâng khả năng nhận diện giọng nói và chuyển ngữ lên tầm cao hơn.
Buổi trình diễn được thực hiện qua cuộc đàm thoại 2 thứ tiếng bằng giọng nói và video của 2 người qua Microsoft Skype. Ngôn ngữ được Skype Translator nhanh chóng nhận diện ngôn ngữ nguồn và chuyển ngữ bằng văn bản lẫn giọng nói sang ngôn ngữ đích ngay tức thì, giúp cả 2 người dùng 2 ngôn ngữ khác nhau để trò chuyện có thể hiểu nhau như đang cùng sử dụng 1 ngôn ngữ. Skype Translator hiện có thể chuyển ngữ thoại các loại ngôn ngữ khá phổ biến, gồm: Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha; đồng thời có khả năng chuyển 45 ngôn ngữ trong nội dung tin nhắn văn bản (chưa hỗ trợ thoại).

 Bạn có thể nói chuyện bằng hai ngôn ngữ khác nhau và được dịch ngay qua skype Translator

Theo giới chuyên gia, Skype Translator thực chất gồm 3 công nghệ: Nhận diện giọng nói, chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói và dịch máy. Tất nhiên, quá trình này có độ trễ nhất định. Thời gian để dịch xong phụ thuộc vào độ dài, ngắn của câu chữ mà người chuyển thông điệp nói. Ngay sau đó, người nhận thông điệp sẽ nghe được bản dịch bằng giọng nói từ người dùng đối diện (dĩ nhiên cả 2 phải được Skype hỗ trợ) theo thời gian thực và nội dung gần như trung thực tuyệt đối, bao gồm cả những yếu tố biểu cảm cũng như các thành ngữ phức tạp. Đây được xem là điều rất hữu ích để có thể gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ khi mà mọi người trên thế giới đang ngày càng kết nối lại với nhau.
Microsoft đã đưa Skype Translator vào phiên bản Skype 5.0, giúp người dùng máy tính và máy tính bảng Windows 8.1 cài đặt Skype có thể trải nghiệm công cụ chuyển ngữ này.
Dễ dàng vượt qua “rào cản”
Thật ra, Skype Translator chỉ là một công cụ mới, ưu việt trong lĩnh vực chuyển ngữ trực tuyến, chứ không phải là sản phẩm duy nhất. Bởi trong những năm qua, kể từ khi Google dịch ra đời đến nay, đã có hàng chục công cụ dịch thuật, chuyển ngữ được nghiên cứu và thử nghiệm. Điều mà các nhà sáng chế cố gắng cải tiến là: Khả năng dịch chính xác từng câu trong từng ngữ cảnh cụ thể; Đảm bảo sự trung thực của sắc thái biểu cảm; Dịch đúng các thành ngữ và cả một số “tiếng lóng”…
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch từ văn bản và giọng nói, một số hãng còn đi xa hơn khi tung ra những công cụ có khả năng dịch văn bản từ hình ảnh chụp. Loạt 3 sản phẩm của Google mới giới thiệu là một ví dụ. Công cụ này được vận hành dựa vào các ứng dụng Google dịch (Google Translate), Google Goggles và Word Lens Translator.

 Bạn có thể dùng chiếc smartphone quen thuộc chụp và dịch các văn bản bằng vài thao tác đơn giản

Chỉ với những hình ảnh chụp các văn bản, bạn có thể chuyển đổi sang các ngôn ngữ khác bằng vài thao tác đơn giản, ngay trên chiếc smartphone quen thuộc của mình. Đặc biệt, khi sử dụng Google Goggles thì khả năng nhận diện sẽ đa năng hơn hẳn. Không chỉ nhận diện và trích xuất văn bản từ trong ảnh, Google Goggles còn nhận diện được loại đồ dùng, thiết bị, quần áo, giày dép, túi xách hay cả danh lam, thắng cảnh nổi tiếng… để người dùng tra khảo thông tin. Tính năng này chắc chắn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những người đi du lịch hay mua sắm. Hiện Google Goggles mới chỉ có mặt trên Android và iOS.
Còn với Word Lens Translator, mặc dù không thể tối ưu như Google Translate ở phần dịch văn bản nhưng ứng dụng này giúp dịch thời gian thực. Chính nhờ điểm đó nên tương lai của Word Lens Translator không chỉ giới hạn trong phạm vi smartphone mà còn hứa hẹn phát triển ở thiết bị kính thông minh, cụ thể là Google Glass. Word Lens mới chỉ hỗ trợ chuyển ngữ qua lại giữa tiếng Anh và 6 ngôn ngữ khác là Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Bồ Đào Nha, Nga, song không ai nghi ngờ khả năng bình diện ngôn ngữ của công cụ này sẽ mở rộng đáng kể trong thời gian tới.
Với việc ngày càng nhiều công cụ hỗ trợ dịch thuật hoặc chuyển ngữ trực tiếp từ giọng nói, hình ảnh thì rào cản ngôn ngữ giữa các dân tộc, quốc gia đang dần được “san bằng”. Tuy nhiên, cũng đã có ý kiến lo ngại rằng một khi những công cụ này trở nên quá phổ biến thì nó sẽ khiến cho nhiều người lười học ngoại ngữ. Âu đó cũng là “mặt trái” của tiến bộ công nghệ, giống như rất nhiều tiện ích khác đã khiến con người ngày một lười biếng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm