pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoa hậu Hà Kiều Anh phản ứng ra sao khi bị nói "nhận vơ là công chúa đời thứ 7”?
Hoa hậu Hà Kiều Anh
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Hoa hậu Hà Kiều Anh đã đăng tải trên mạng xã hội dòng trạng thái nói về thông tin mình là công chúa đời thứ 7 triều Nguyễn. Theo người đẹp, bà nội Nguyễn Tăng Diệu Hương của cô là con gái bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh, tức con cháu hoàng tử đời thứ 11 của vua Minh Mạng. Cô viết trên trang cá nhân: "Bà nội lúc nào cũng nói bà là con vua cháu chúa, con cũng là "công chúa" đời thứ 7 đấy".
Câu chuyện về dòng dõi hoàng tộc của Hà Kiều Anh nhận được sự quan tâm lớn của giới nghệ sĩ và công chúng. Nhiều người chúc mừng Hoa hậu nhưng cũng không ít ý kiến phản bác, cho rằng người đẹp "nhận vơ". Trong đó có nhà nghiên cứu Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 triều Nguyễn. Ông Minh Khôi cũng là người sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi, chuyên cung cấp thông tin về hậu phi, nội cung sử Việt.
Nhà nghiên cứu Minh Khôi đưa ra nhiều chứng cứ, lập luận trong những chia sẻ của Hà Kiều Anh về dòng dõi của mình. Theo ông, không thể gọi Hà Kiều Anh là "công chúa" mà chỉ là "họ hàng xa" với hoàng tộc:
"Chúng ta thường mặc định "công chúa" là một danh hiệu dành cho tất cả những người con gái do Hoàng đế sinh ra, điều này chưa đúng ở triều Nguyễn. Những người con gái của Hoàng đế triều Nguyễn khi sinh ra chỉ được gọi là "Hoàng nữ", thông thường khi lớn lên và hạ giá lấy chồng thì mới được Hoàng đế sách phong làm Công chúa với một buổi lễ riêng, có sách bảo và phong hiệu hẳn hoi.
Nghĩa là một Công chúa triều Nguyễn phải hội tụ đủ 2 yếu tố: là một Hoàng nữ, con gái ruột của Hoàng đế và đã được cử hành lễ sách phong chính thức để nhận danh hiệu này.
Bên cạnh tước vị Công chúa thì nhà Nguyễn sách phong Trưởng Công chúa cho các bậc chị em gái của Hoàng đế, Thái trưởng Công chúa cho các bậc cô dì của Hoàng đế. Bà cố ngoại của chị Hà Kiều Anh như chị nói là Công Tằng Tôn Nữ tất nhiên không phải là Công chúa vì đâu nằm trong "danh sách nhân sự" có thể sách phong Công chúa? Chưa dừng lại ở đó, từ bà cố ngoại của chị truyền đến 3 đời nữa mới đến chị, mối liên hệ Hoàng phái của chị chắc chắn lại càng mong manh như những thông tin chị ghi trong bài viết của mình".
Trước những phản ứng trái chiều của cư dân mạng, Hà Kiều Anh nói cô không tự xưng là công chúa, mà viết rõ là do bà nội chia sẻ. Cô khẳng định, dòng dõi hoàng tộc là điều hãnh diện nhất của mình dù chỉ là một chút sót lại.
Theo Hoa hậu Việt Nam 1992, câu chuyện chị viết về gia đình mình là có thật và ông Phú - người trông coi phủ Tuy Lý Vương hiện nay ở Huế - có thể kiểm chứng. "Ông mình là vua thì các cháu chắt cũng đủ tư cách để hãnh diện gọi ông vua là Cố kị, Cố cố", cô nói. Ngoài ra, Hà Kiều Anh cũng có quan điểm rằng việc gọi con cháu là "công chúa" đôi khi cũng có nghĩa là thể hiện sự yêu thương, chiều chuộng.