Tại buổi giao lưu, những nữ Biệt động Sài Gòn năm xưa đã cùng nhau ôn lại những ngày lịch sử oanh liệt trong Mậu Thân 1968, họ là những người may mắn sống sót trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Đây là dịp để thế hệ hôm nay thể hiện sự biết ơn đối các Anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những chiến sĩ biệt động… những người đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần vào thắng lợi ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Nhớ về những năm tháng chiến tranh, những người phụ nữ nhỏ bé ấy, họ đảm nhận nhiều nhiệm vụ từ công tác vận chuyển, xây dựng, cất giấu những hầm vũ khí trong nội đô đến công tác giao liên, tình báo và thực hiện những trận đánh khiến quân thù bàng hoàng, khiếp sợ... Dù ở nhiệm vụ nào họ vẫn thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo, lòng dũng cảm, đức hy sinh phi thường.
Với những nhân chứng lịch sử như: Anh hùng LLVT Võ Thị Tâm, bà Đặng Thị Thiệp, bà Phan Thị Thúy, bà Đoàn Thị Nhỏ, bà Vũ Minh Nghĩa, bà Diệp Tú Anh…
Bổi hồi xúc động khi nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà Đoàn Thị Nhỏ chia sẻ: “Hôm nay còn ngồi ở đây là sự vui mừng nhưng cũng là đau đớn khi nhìn đồng đội hi sinh. Mỗi lần tôi kể lại chuyện xưa thì hình ảnh của đồng đội tôi như hiện về trước mắt. Tôi hi vọng rằng qua lời kể của mình thì các cháu hôm nay phần nào cảm nhận được sự mất mát hi sinh của ông cha ta”.
Cùng chung tâm trạng như bà Nhỏ, bà Diệp Tú Anh, một nữ biệt động SG từng bị địch bắt vào tù và chịu đựng nhiều cực hình tra tấn, nhớ lại: “Tôi cảm thấy rất cảm động và tự hào khi được lên sân khấu nói lên tiếng nói của người phụ nữ đã đóng góp trong cuộc tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân 1968. Năm nay tôi đã 88 tuổi nhưng có lẽ những ký ức trong thời chiến đấu tôi sẽ không bao giờ quên. Ngày hôm nay, tôi được gặp lại đồng đội, đồng chí của mình, tôi thấy mình thật may mắn”.
Là một trong những người thuộc thế hệ trẻ, H’hen Niê, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, không giấu được sự xúc động khi đến tham dự. H’hen Niê chia sẻ: Hen rất vinh dự khi được tham gia chương trình, được nghe những câu chuyện thật cảm động. Hen cảm thấy biết ơn đối các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Hen hy vọng trong thời gian tới sẽ được đồng hành cũng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ bằng những việc làm thiết thực.
Cũng trong dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ còn khai mạc trưng bày “Phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam bộ trong Mậu Thân 1968” với hơn 100 bức ảnh và 50 hiện vật. Nội dung trưng bày gồm: Chủ trương và chuẩn bị cho chiến dịch Mậu thân 1968; phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam bộ tham gia chiến dịch Mậu than 1968 (lĩnh vực tình báo, điệp báo, chính trị, phụ vận, giao liên, vũ trang, phục vụ chiến đấu); những thắng lợi của chiến dịch Mậu thân 1968; những di tích lịch sử liên quan đến chiến dịch Mậu thân 1968.
Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 kéo dài gần 5 tháng, gồm hai đợt: đợt 1 từ ngày 31/1/1968 đến 28/2/1968 và đợt 2 từ ngày 5/5/1968 đến ngày 18/6/1968. Trong đợt 1, ngay đêm giao thừa và đêm mùng một Tết Mậu Thân (30 và 31/1/1968), quân và dân miền nam đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của Mỹ, Ngụy, gồm: bốn Bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, tám Bộ tư lệnh sư Đoàn, Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy ở Sài Gòn… |