Buổi sáng tại ngã tư đường thành phố San Jose gần khu Grand Century Mall, khi tôi đang ngừng xe chờ đèn đỏ, một người đàn ông Mỹ ngồi trên dải phân cách hai làn đường xe qua lại , trên môi phì phèo điếu thuốc lá, tay cầm bảng với dòng chữ nguệch ngoạc cầu xin sự giúp đỡ. Ông ta đội chiếc mũ phớt màu đỏ, áo thun trắng đã ngả màu và chiếc quần Jeans bạc phếch, cũng như bao homeless khác, những người vô gia cư ở Mỹ không rách rưới, tiều tụy và thảm hại như người ăn xin ở Việt Nam.
Thậm chí, họ thường mặc đồ hiệu, trông khá bảnh và sạch sẽ. Nhưng ánh mắt rưng rưng nhẫn nhục vì thường xuyên đón nhận sự thương hại, kỳ thị của người đời thì ở đâu cũng như nhau cả. Một khi con người đã bị đẩy đến cảnh “ đứng đường” để xin miếng ăn của thiên hạ, thì còn đâu khái niệm lòng tự trọng hay sĩ diện.
Tôi hạ cửa kính ô tô và chìa ra tờ 5 đô la đưa cho người đàn ông đó, ông ta vội vã nhận lấy và nói rằng: “Cảm ơn cô, Chúa trời sẽ che chở cho cô!” Tôi biết , 5 đô la chỉ có thể mua được một ổ bánh mì lót dạ cho bữa sáng, một ly cà phê đá, chứ không thể giúp nhiều hơn cho người đàn ông tội nghiệp đó. Nhưng dù sao, tôi và ông ta đã găp nhau ở một khoảnh khắc nào đó của đời sống, và sự sẻ chia hơi ấm dù ít ỏi cũng là điều nên làm. Đôi khi, có những tình huống mà tôi tự an ủi bản thân rằng, con người ta nhục hay vinh phần lớn là do số phận quyết định cả, cho dù tôi quan niệm, tính cách gặt số phận. Nhưng, dù ít dù nhiều, vận mệnh chẳng buông tha ai.
Nước Mỹ, xứ sở thiên đường, nơi mà mỗi năm có hàng trăm hàng triệu người khắp nơi trên thế giới ước mơ được đến đây định cư, nào có ai ngờ, cũng là cơn ác mộng của không ít kẻ thất bại về tất cả, tiền bạc công danh, tình cảm, sức khỏe… phải sống trong cảnh lang thang, cô độc.
Khi mới qua đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh những người homeless với chiếc xe đẩy lỉnh kỉnh chất quần áo cũ, các vật dụng sinh hoạt đi thành hàng trên đường phố, tôi thường xuyên đặt câu hỏi vì đâu nên nỗi, cho đến khi tôi nghiệm ra câu trả lời, có thể họ đã thiếu đi sự may mắn cho dù họ luôn tin vào phước lành của Chúa. Họ không có đủ những yếu tố căn bản để giữ được cho bản thân giá trị sống tối thiểu của con người, đó là sức lao động và nhận thức, họ trở thành người không nhà không cửa, không anh chị em thân thích.
Hãy nhớ rằng ở nước Mỹ, tinh thần tự lập rất cao và chẳng mấy ai chịu trách nhiệm cho hành vi của người khác, cho dù người đó có liên quan máu mủ ruột già. Cuộc sống tư bản đắt đỏ và khốc liệt với quy luật đào thải tự nhiên, anh thắng thì anh hưởng, anh bại thì anh bị đẩy xuống đáy tận cùng của xã hội, đơn giản vậy thôi.
Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh cô gái da đen homeless với chiếc váy bó chẽn, tay đầy hình xăm, môi tô son đỏ nghênh ngang khắp phố cất tiếng hát tha thiết và cao vút chẳng thua kém gì nữ danh ca bạc mệnh Whitney Houston, trong mắt tôi, cô ấy thực sự là một tài năng, nhưng tài năng ấy chỉ giống như một đốm lửa nhỏ nhoi sẽ sớm bị dập vùi trước cơn bão tuyết.
Có thể, thời thơ ấu, cô đã có ước vọng đẹp đẽ là trở thành ca sỹ, nhưng bạo lực gia đình, sự bất công hoặc sai lầm phạm phải nếu có đã đẩy cô đến cảnh màn trời chiếu đất. Sống ở nước Mỹ, với lý lịch xấu, bạn sẽ khó có cơ hội làm lại cuộc đời. Và hàng năm luôn có hàng trăm ngàn người vì lười nhác, hoặc vì thất nghiệp, hoặc bị bỏ rơi lâm vào tình trạng vô gia cư, không giấy tờ, không được nhân bất kỳ sự trợ cấp nào của chính phủ.
Trên thực tế, người Việt homeless ở Cali cũng có, nhưng tôi ít khi bắt gặp hình ảnh người Việt xin ăn ở ngã tư đường. Và đó sẽ là cả một câu chuyện dài về bi kịch và thân phận. Giấc mơ Mỹ lung linh có thể trở thành hiện thực với ai đó, nhưng cũng có thể trong phút chốc là cơn ác mộng. Một khi, định mệnh đã phần nào quyết định cuộc đời của mỗi con người.
pnvnonline@phunuvietnam.vn