Vũ điệu của hoa khôi một chân
Ngoài niềm vui đoạt giải Nhất cuộc thi, Bế Thị Băng (quê Cao Bằng) còn đoạt các giải: Giải Tài năng, Giải Thí sinh được yêu thích nhất.
Từ khi còn nhỏ, Bế Thị Băng đã tham gia văn nghệ ở trường và luôn đạt giải nhất, nhì trong mọi cuộc thi từ trang trí, nấu cơm, cắm trại, múa... Sau tai nạn giao thông, Băng bắt đầu học múa Ba Tư (Persian Dance). Chính vì vậy, trong đêm thi tài năng “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”, khán giả đã không khỏi sững sờ trước màn thể hiện của cô gái một chân. Màn múa này do chính Băng sáng tạo bằng cách mix 3 chủ đề lại với nhau, đó là nhảy Tây Ban Nha, Ba Tư và Ấn độ và gây được ấn tượng với Ban tổ chức.
Lần đầu tiên tham gia “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”, cuộc thi dành cho các nữ thanh niên khuyết tật Việt Nam, với tiêu chí: vẻ đẹp của con người không chỉ nằm ở hình thể mà còn tiềm ẩn trong tâm hồn, nghị lực, trí tuệ, Bế Thị Băng đã xuất sắc giành giải Nhất. Cô tâm sự, cô tham gia cuộc thi để thấy mình tự tin hơn và được giao lưu với những bạn bè cùng cảnh ngộ, qua đó cho cô hiểu thêm được nhiều hoàn cảnh và sự đồng cảm, hun đúc thêm quyết tâm và nghị lực sống vượt qua mọi khó khăn.
Nhìn cô gái có nụ cười lạc quan ấy trên sân khấu, ít ai biết cô đã từng trải qua những năm tháng nghiệt ngã và đầy thất vọng.
Bước ngoặt mang tên “tuổi 24”
Bế Thị Băng tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Nguyên. Sau tốt nghiệp, Băng đi làm thẩm mỹ nha khoa với thu nhập khá ổn định tại Hà Nội. Cuộc sống đang vui vẻ thì bỗng một ngày, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến đã cướp đi của Băng một bên chân.
“Đó là năm 2012, bước ngoặt lớn trong cuộc đời em. Một chiếc xe container đâm vào đuôi xe máy và kéo lê em đi trên đường gần 3 mét. Lúc tỉnh lại trong bệnh viện, em mới biết mình bị đứt động mạch đùi, phải tháo khớp háng và cắt bỏ một chân. Em đã không tin đó là sự thật”, Băng nhớ lại cơn ác mộng của mình khi mới tròn 24 tuổi.
Mất 2 năm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Băng rất vất vả bởi gia đình cô không ai ở Hà Nội, cô chỉ có một cậu em trai học sĩ quan tại TP.HCM và cô em gái đang học ở Xuân Mai. Cả tuần, Băng chỉ mong đến ngày nghỉ để có em gái ra chăm và động viên mình. Nhiều người nói cô nên về quê nhưng cô không muốn bố mẹ chứng kiến giai đoạn đau đớn nhất của cuộc đời cô, giai đoạn mà chính cô cũng không nghĩ rằng mình có thể vượt qua được.
Những ngày sau đó, cô gái trẻ chỉ biết im lặng và khóc thầm trong nỗi đau âm ỉ của thể xác và tinh thần. Phải làm sao để tiếp tục sống tiếp đây? Đó là câu hỏi cứ giày vò cô mỗi ngày đêm với lòng bi quan và sự thất vọng về bản thân.
Đau đớn bởi phẫu thuật là những đau đớn về mặt thể xác mà Băng phải chịu đựng, nhưng đau về mặt tinh thần còn nhiều hơn thế gấp bội. Phải làm gì để chấp nhận rằng từ nay mình sẽ không còn lành lặn, không có được cuộc sống bình thường như trước kia? Bao nhiêu ước mơ, hoài bão về cuộc sống, về tình yêu và tương lai dường như trở nên mờ mịt.
Sau hai năm phẫu thuật cắt bỏ một chân, mỗi khi ra đường, Băng phải đối mặt với cái nhìn tò mò và thương hại của mọi người. Có người nhìn cô im lặng nhưng có những người nhìn mà lại xì xèo bàn tán “ôi sao chân nó lại thế này, thật tội nghiệp...”. Mỗi lần nghe được những lời đó, cô chỉ muốn khóc.
Nhưng rồi được sự động viên của gia đình, Băng đã vững vàng bước tiếp những bước đầu tiên trên con đường chông gai trước mắt. Mọi nỗi đau cũng qua đi. Băng đã tự động viên bản thân mình rằng, điều quan trọng là em vẫn còn được sống - đó là một hạnh phúc và ngày mai, ngày mai nữa, em vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc sống này. “Em tự nhủ với bản thân mình rằng, dù là người khuyết tật hay lành lặn, chúng ta có quyền bình đẳng, có quyền tự tin vào chính mình và em quyết tâm sống như một người lành lặn”, Băng tâm sự bằng vẻ lạc quan và trong sáng.
Tình yêu với người đàn ông ngoại quốc
Và rồi tình yêu cũng đến với cô gái nghị lực này khi cô gặp anh, người chồng quốc tịch Đức của mình trong một lần anh đến Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh đến Việt Nam du lịch rồi phải lòng cô. Tuy khá bất đồng về ngôn ngữ nhưng tình yêu là thứ không có gì ngăn họ đến với nhau.
Băng tâm sự, tình yêu khiến cô thêm yêu cuộc sống bởi cô không chỉ sống cho riêng mình và còn phải sống đẹp, sống thật vui tươi và xinh đẹp cho người mà cô yêu.
Để chứng minh bản thân mình không “khuyết”, Băng đã học hỏi, mày mò để kinh doanh. Cho đến bây giờ, cô đã thành thạo với việc kinh doanh Homestay và thẩm mỹ nha khoa để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống như những người bình thường. Bế Thị Băng mơ ước, trong 10 năm nữa, cô sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt. Vào thời gian rảnh rỗi, Băng xem phim, đọc sách, thể thao, học múa...
Do vết thương của cuộc phẫu thuật quá lớn nên hiện giờ, cô gái trẻ vẫn chưa thể làm mẹ. Tuy nhiên, chồng cô cũng hiểu và vì thế mà càng yêu thương Băng nhiều hơn. “Nếu mình có con, mình sẽ là một người mẹ tốt”, cô gái khao khát.
Có lẽ ước mơ của cô gái không phải là quá xa vời, bởi nghị lực và trái tim tràn đầy nhiệt huyết của cô sẽ giúp cô đạt mọi ước mơ của mình.