pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoa nở sau bão giông chở mùa Xuân yêu thương
Người dân thôn Làng Nủ cùng nhau đón Tết Ất Tỵ 2025 với một tinh thần đoàn kết. Ảnh: Trọng Điểm (Trung tâm Văn hoá, thể thao - Truyền thông huyện Bảo Yên, Lào Cai)
Đận bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc, cuộc điện thoại từ Tây Nguyên của Rơ Châm Hoa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Ngo Rông (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) khiến tôi rưng rưng muốn khóc: "Chị ơi, xem ti vi ngoài đó bão gây thiệt hại nặng nề mà trong này bà con dân tộc lo lắng lắm.
Vừa chiều hôm qua, Chi hội chúng em và dân làng tổ chức quyên góp ủng hộ bà con miền Bắc mình bị bão lũ đấy chị ạ. Ai cũng thương Hà Nội, thương bà con các tỉnh miền Bắc nhiều lắm".
Nghe mấy tiếng "dân làng tổ chức quyên góp" mà cảm xúc trào dâng. Bởi Ngo Rông, nơi tôi về công tác hồi tháng 8 năm 2023, nghèo lắm! Thôn Ngo Rông là 1 trong 4 thôn đặc biệt khó khăn của xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ.
Vậy mà khi nghe tin bà con các tỉnh, thành phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ, dẫu còn khó khăn chồng chất, vậy mà đồng bào vẫn hướng về miền Bắc thân yêu. Rơ Châm Hoa kể, bà con không góp đồ vì hầu hết không dư giả và nếu có quyên góp thì cũng không phù hợp với bà con ngoài Bắc. Nên người khó khăn thì góp 5 ngàn, 10 ngàn đồng.
Người khá giả thì vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng. Tôi bảo, bà con còn thiếu thốn, không cần câu nệ, gửi lời động viên đến bà con ngoài Bắc là ấm lòng rồi! Hoa giải thích, "của ít lòng nhiều, bà con dân tộc Tây Nguyên thương bà con ngoài Bắc mình lắm chị à, nên một ngàn bà con cũng muốn góp để thể hiện tấm lòng".
Sau câu nói của Hoa, tôi lặng đi. Cái tình của người nghèo dành cho người hoạn nạn, trân quý không bút nào tả siết. Đó là biểu hiện cao nhất của tình đồng bào, nghĩa dân tộc; là minh chứng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" thấm sâu trong truyền thống và bản chất người Việt Nam.
Bản thân tôi chẳng thể nào quên một đêm cuối tuần ngày thứ Bảy (7/9/2024)- đêm bão về Hà Nội, tôi nằm giữa 2 con mà thót tim nghe ngóng bão. Đêm khuya, mỗi hồi gió gào rít, cây xoài cổ thụ cạnh nhà vần vũ xoáy theo nhịp cuồng phong, cành cây va xuống mái nhà, đập vào tường nhà khiến tim tôi như thể ngừng đập.
Miệng trấn an hai cô con gái nhưng thực sự trong lòng run sợ, trong đầu chỉ còn biết thầm cầu nguyện được bình an. Nghĩ dại, ngộ nhỡ như cây xoài bênh gốc, đổ vào nhà… Cứ thế, nước mắt trào ra như mạch ngầm trong tiếng mưa gió, bão gầm. Đêm thức trắng rồi cũng qua, sáng hôm sau nhìn trời yên mà muốn òa khóc. Khóc vì được… hoàn hồn!
Thứ Hai, người Hà Nội trở lại nhịp sống thường ngày sau bão tan. Âm thanh đầu tiên của ngày sau bão dội về là những tiếng máy cưa cắt cây đổ đến gai người... Cảm giác của ngày đầu tuần là suốt chặng đường đến cơ quan, chỉ thấy những hoang tàn sau bão.
Câu chuyện duy nhất trên chuyến xe buýt từ ngoại thành vào nội thành hôm ấy là chuyện về bão... Người đàn ông tóc bạc thốt lên: "Hơn 60 năm tôi ở đất Hà Nội này, giờ mới thấy trận bão kinh hoàng đến thế!". Đưa mắt nhìn hai bên đường, cây cổ thụ đổ ràn rạt. Lòng hoang hoải. Xót xa. Vụn vỡ...
Thế mà đâu đã "tai qua nạn khỏi"! Trong lúc đang họp giao ban cơ quan đầu tuần (ngày 9/9) thì đến gần trưa, hay tin cầu Phong Châu nối 2 huyện Lâm Thao - Tam Nông của tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị sập, 2 nhịp cầu rơi xuống sông Hồng kéo theo một số phương tiện và người mất tích…
Liên tiếp sau đó là các tỉnh miền núi phía Bắc phải hứng chịu bão lũ; biết bao gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất; có cả một ngôi làng bị san phẳng, vùi lấp, cuốn trôi sau trận lũ…
Mẹ tôi, người phụ nữ 84 tuổi, những ngày ấy cứ ngồi trước tivi, miệng lầm rầm "Khổ quá! Đau xót quá! Cầu mong Mẹ Trái đất cho chúng con bình yên" rồi luôn tay chấm mắt. Nhiều ngày liền, mực nước sông Hồng ở mức "báo động đỏ", người dân Hà Nội và các tỉnh, thành dọc triền sông "nín thở" theo con nước dâng từng giờ.
Người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành trần mình trong mưa để chỉ đạo công tác chống bão. Nhân dân đều đặt niềm tin: Đảng, Nhà nước sẽ có chiến lược ứng phó, toàn dân sẽ chung tay vượt qua, giống như trước đó chúng ta từng vượt qua đại dịch Covid-19 và nhiều thiên tai địch họa khác.
Nhưng thời khắc đối diện với "cơn giận dữ" của thiên nhiên, làm sao tránh khỏi cảm giác lo sợ, bất an thường trực.
***
Nhưng rồi, cũng chính từ trong khó khăn ấy, là dịp để tình người, tình đồng bào, tình dân tộc tỏa sáng, dệt thành khối đại đoàn kết bền chặt. Nơi an lành chia sớt nỗi đau cùng nơi hoạn nạn, nơi thiệt hại ít đùm bọc nơi bị thiệt hại nhiều.
Quảng Ninh (một trong những tỉnh hứng chịu nặng nề của bão Yagi) xin từ chối khoản tiền cứu trợ Chính phủ dành cho địa phương khắc phục hậu quả của bão để nhường cho các tỉnh khác kinh tế khó khăn nhưng bị thiệt hại nặng nề hơn;
Hải Phòng kiên cường gượng dậy sau bão; Hà Nội cũng khẩn trương dọn dẹp hàng ngàn cây xanh bị đổ, các lực lượng xắp xếp lại không gian Thủ đô trở về sạch sẽ, thanh bình sau bão.
Tròn 1 tháng (từ ngày 9/9/2024 đến ngày 10/10/2024) sau khi Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nhân dân cả nước chung tay ủng hộ đồng bào bão lũ, Ban Cứu trợ Trung ương nhận được 2.091 tỉ đồng từ cá nhân và các tổ chức.
Cùng với toàn Đảng, toàn quân, cá nhân và các tổ chức thiện nguyện khắp nơi cũng ngày đêm bằng những hành động thiết thực, trực tiếp tham gia ứng cứu, hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ.
Thật cảm phục tấm lòng của nhà giáo 74 tuổi đã dành trọn cuốn sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng dưỡng già tặng cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ với câu nói chân thành: "Có thể 1 tỉ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu".
Hay như cụ Hồ Thị Miêu, ở thị trấn Phong Nha (Quảng Bình), 102 tuổi, một trong những hoàn cảnh khó khăn của địa phương, đã lấy số tiền ít ỏi mình dành dụm được, đưa đến nhà văn hóa của khu dân cư để đóng góp. Cụ bảo: "Tui cực nhưng những người dân các tỉnh miền Bắc bị lũ lụt còn cực hơn nhiều".
Rồi chuyện bé gái lớp 2 ở Bình Dương rơm rớm nước mắt mang theo xấp tiền lẻ là toàn bộ số tiền tiết kiệm để ủng hộ đồng bào miền Bắc bị bão lũ, khiến bao người nhìn em mà trào nước mắt… Không thể kể hết, đếm hết biết bao nhiêu con người bình dị mà cao cả, khi đất nước cần sự chung tay.
Tôi tin, kể cả những người hàng ngày vốn bàng quan, ít quan tâm đến cộng đồng xung quanh thì khi nhìn từng đoàn xe mang băng rôn, khẩu hiệu, cắm cờ Tổ quốc từ muôn nẻo đường trên dải đất hình chữ S hướng về bà con vùng bão lũ sẽ không thể không mềm lòng.
Vượt hàng ngàn cây số, chuyến xe nghĩa tình từ điểm cuối cùng trên bản đồ đất nước chở ăm ắp tình người Cà Mau ra miền Bắc; những đoàn xe tải không quản ngày đêm mang triệu tấm lòng của miền Nam ruột thịt cho miền Bắc thân yêu…
Mất mát đấy, đau thương đấy, có nơi kiệt quệ đấy nhưng tình quân dân, nghĩa đồng bào đã khiến sự mất mát, niềm xót xa bởi thiên tai được xoa dịu nhiều phần.
Và tôi nhận ra, nhẽ đời là thế, sau những mất mát, đổ vỡ là hành trình "vá" lành, "chữa" đau... Từ tan hoang, bằng khối óc - bàn tay và tình người, tất cả đã gượng dậy và hồi sinh từng ngày.
Dù cơ thể vẫn còn những dư chấn tổn thương, chưa thể phục hồi như cũ nhưng chắc chắn, đứng dậy từ mất mát, ta sẽ trân quý giá trị cuộc sống, càng tử tế và trọng nhau hơn.
Nhất định, và hoa sẽ nở sau hoang tàn! Mùa Xuân 2025 vẫn rực rỡ hoa mai, hoa đào cùng muôn loài hoa khác.