pnvnonline@phunuvietnam.vn
Họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ: Có duyên với vẻ đẹp thiếu nữ miền sơn cước

Họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ sáng tác tại xưởng vẽ của mình
+ Cơ duyên nào đưa chị đến với hội họa?
Xuất thân trong một gia đình ở nông thôn, tôi may mắn có mẹ là người có tâm hồn nghệ thuật. Bà làm nghề thêu ren thủ công truyền thống. Các sản phẩm bà làm ra khiến tôi bị mê hoặc bởi các mảng màu sắc, đặc biệt là màu son.
Mỗi khi chiêm ngưỡng các tác phẩm của mẹ, tôi lại tự "chụp" lại những khoảnh khắc có màu sắc lấp lánh bằng mắt, lưu giữ chúng và lâu lâu lại hồi tưởng. Tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật từ mẹ cứ thế lớn dần trong tôi.
+ Chị đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và có nhiều tác phẩm được sưu tập trong và ngoài nước. Vì sao đến thời điểm này chị mới làm triển lãm riêng?
Đây là cũng là kết quả của một quá trình sáng tác miệt mài gần 2 thập kỷ, một hành trình tôi theo đuổi và đam mê sơn mài truyền thống. Tôi muốn gửi đến độc giả "những đứa con tinh thần" mà tôi đã vẽ bằng tất cả cảm xúc, sự thăng hoa.
Có thể là những khoảnh khắc, là những khung cảnh... nhưng đó là góc nhìn của riêng tôi được gửi vào hội họa.
+ Chị có thể giới thiệu đôi điều về Triển lãm "Nét son"?
Triển lãm giới thiệu 40 tác phẩm được thực hiện khi tôi vừa dạy học, vừa làm vợ, làm mẹ, vừa mưu sinh trong một xưởng vẽ nhỏ mà tôi vẫn đùa là "căn phòng của Mỵ". Nhưng đó là cả thế giới nghệ thuật đặc sắc của tôi. Tôi chọn đề tài khá bao trùm: Cả miền núi, đồng bằng, miền biển.

Sau gần 2 thập kỷ miệt mài sáng tác, họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ "trình làng" triển lãm riêng
Tuy nhiên, hình tượng người phụ nữ Tây Bắc, nếp sống, sinh hoạt của con người, hình ảnh một cánh hoa hay một chú gà trống nhỏ thôi mà tôi bỗng dưng bắt gặp, tôi cũng sẵn sàng khắc họa lại khi có cảm hứng. Tôi không ngần ngại ghi lại từng khoảnh khắc bình dị ở mỗi nơi tôi đi qua.
Nét son - niềm đam mê nghệ thuật sơn mài của họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ - đã được khơi nguồn cảm hứng từ phác thảo bài khóa luận tốt nghiệp “Khai thác tính năng của chất liệu trong các thể loại hội họa”. Son trai, son tươi, son thắm, son nhì - mỗi nét son đều đi vào sáng tác của họa sĩ như một lẽ tự nhiên. Khoảng cách về không gian và thời gian không ngăn được bước chân lãng du của cô họa sĩ nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực và nhiệt huyết. Hiếm có một phụ nữ nào say mê nghệ thuật sơn mài như họa sĩ Ngọc Mỵ. Làm nghệ thuật đã khó, với nữ họa sĩ càng khó hơn nhưng Mỵ đã vượt qua tất cả”.
Họa sĩ, Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên
Dù không lựa chọn nhưng khi nhìn lại, tôi nhận thấy đề tài Tây Bắc, vẻ đẹp của thiếu nữ miền sơn cước đã đi vào tranh của tôi như một duyên nghiệp. Chắc bởi tên tôi là Mỵ… Với tôi, nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó bắt nguồn từ đời sống. Và tôi trân trọng mỗi khoảnh khắc đó.
+ Sơn mài được cho là chất liệu khá "vất vả" với phụ nữ. Chị có thể "bật mí" người tác động đến chị nhiều nhất khi quyết định lựa chọn loại chất liệu này?
Sở dĩ tôi lựa chọn chất liệu này bởi tôi đam mê những hạt bụi vàng óng ánh, với công đoạn ủ tranh, sự tỉ mỉ gắn từng vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ trai, phủ bạc vàng lên tranh, màu son trai, son thắm, son nhì…
Bên cạnh đó, tôi nhận được sự truyền cảm hứng từ người thầy, Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên. Thầy luôn động viên tôi. Mỗi khi tôi bận con nhỏ, thầy lại bảo: Mỵ cứ chăm con đi rồi "ủ mưu", con lớn thêm chút thì vẽ. Thầy bảo. nếu tôi tập trung sáng tác chắc chắn sẽ thành công. Chính những lời động viên đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.

Họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ sáng tác tại xưởng vẽ của mình
Còn một người không am hiểu hội họa nhưng luôn thầm lặng ủng hộ tôi, làm mọi việc nhà để tôi chuyên tâm sáng tác, sẵn sàng bê tranh, ủ tranh lúc nửa đêm gà gáy hay bất kể lúc nào tôi cần mà chưa bao giờ cáu gắt, phàn nàn, đó chính là ông xã của tôi.
+ Việc theo đuổi sáng tác sơn mài theo lối truyền thống, với chị, có những thuận lợi và khó khăn gì?
Với một họa sĩ nữ thì khó khăn rất nhiều, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sức khỏe. Nhưng đổi lại, dòng tranh này lại có giá trị nghệ thuật cao với các tác phẩm độc đáo, khó sao chép...
+ Thông điệp mà chị muốn gửi gắm qua Triển lãm lần này là gì?
Tôi mong muốn lan tỏa nghệ thuật sơn mài truyền thống đến với độc giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi muốn gửi thông điệp đến với các bạn trẻ: "Văn hóa truyền thống tuy nhọc nhằn nhưng bền vững với thời gian".
+ Xin cảm ơn chị!