Hòa Vang: Hiệu quả lan tỏa từ “5 không, 3 sạch”

02/11/2017 - 09:40
Cuối năm 2015, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ địa phương trong việc gắn xây dựng nông thôn mới với triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Hòa Vang đã chỉ đạo Hội cơ sở hướng dẫn 100% hội viên phụ nữ đăng ký các nội dung của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với tiêu chí nông thôn mới ở địa phương, phân công cán bộ chuyên trách hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thực hiện các tiêu chí.

2.jpg
Hội Phụ nữ bàn việc sinh kế cho chị em phụ nữ nghèo tại địa phương

 

Một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là giảm nghèo bền vững. Theo lãnh đạo Hội LHPN huyện, các giải pháp cần tập trung thực hiện là tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho chị em ngay trên mảnh vườn của mình. Hội đã chủ động làm việc với các ban, ngành liên quan đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển những mô hình sản xuất, tổ phụ nữ liên kết sản xuất do phụ nữ làm chủ. Qua đó xây dựng thành công 20 mô hình sản xuất hiệu quả, như: Sản xuất rau an toàn, gia công đan lưới, may thảm nệm lót ôtô, nuôi chim cút... tạo thu nhập từ 2 - 3 triệu/người/tháng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nữ lớn tuổi.

Bên cạnh đó, các phong trào: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” thông qua các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn từ nhóm phụ nữ tín dụng - tiết kiệm cũng được đẩy mạnh. Riêng năm 2016, Hội đã phát động phong trào "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn"; kết quả, đã giúp hơn 2.500 hội viên phụ nữ và trẻ em, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, xây mới 10 nhà, sửa chữa 9 nhà với tổng giá trị hơn 560 triệu đồng.

4.jpg
Hội thi gia đình hạnh phúc của huyện thu hút đông đảo các gia đình tham gia

 

Ở cấp cơ sở, nhiều mô hình mang tính sáng tạo, khai thác tối đa lợi thế của địa phương cũng được triển khai, như Quỹ “Hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học”, “Hũ gạo tình thương”, “Tiết kiệm thu gom phế liệu”, “Tiếp sức phụ nữ nghèo”, “Nuôi heo đất”, “Ươm mầm trạng nguyên”, Quỹ “An sinh phụ nữ”, “Cảm thông và chia sẻ”… Qua đó, hàng năm đã hỗ trợ, giúp đỡ cho gần 500 lượt phụ nữ và 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, Hội LHPN huyện đã xác định vai trò, chức năng của tổ chức Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục các gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình; đồng thời, phối hợp với Công an để cảm hóa, giáo dục 81 đối tượng vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên nghiện ma túy lần đầu, thanh thiếu niên hư hỏng…qua đó, đã góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

1.jpg
Hội LHPN địa phương tham gia giám sát VSATTP

 

Đối với các tiêu chí “Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, "Không sinh con thứ 3 trở lên”, Hội đã chú trọng công tác tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ về thực hiện các đề án của Hội. Đặc biệt, là sự phối hợp với các ban, ngành thực hiện có hiệu quả Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015”; Đề án 404 “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”…từ đó đã tạo sự chuyển biến nhận thức trong các tầng lớp phụ nữ về các vấn đề kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng cho trẻ và vận động các em học sinh đến trường. Vì vậy, những năm qua, tỷ lệ gia đình hội viên phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học trên địa bàn huyện đã giảm dần qua từng năm.

Để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí “3 sạch”, Hội đã sáng tạo trong nhiều mô hình dễ thuộc, dễ nhớ và dễ thực hiện như: Phát động chương trình "Phụ nữ hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp và chung tay xây dựng Nông thôn mới", “Mỗi xã, 1 thôn không có rác trong cộng đồng dân cư”; “Mỗi hố rác, một cây xanh”, thường xuyên ra quân ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, tham gia sinh hoạt các Câu lạc bộ về môi trường…

3.jpg
Phụ nữ ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường

 

Năm 2017, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai mô hình “Vườn trái cây tập trung” cho các hộ phụ nữ nghèo, có diện tích đất vườn rộng. Theo kế hoạch, trong năm nay, Hội sẽ triển khai xây dựng 25 mô hình “Vườn trái cây tập trung” tại 11 xã, hướng đến trồng 100 vườn cây ăn trái tập trung cho phụ nữ nghèo vào năm 2020. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp các hội viên phụ nữ nghèo cải tạo vườn tạp, nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, đồng thời tạo nên một không gian xanh, giữ gìn môi trường sống tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm