Hoài Linh viết tâm thư giải nghĩa ngày Giỗ tổ Sân khấu khi bị hiểu sai

10/10/2017 - 16:32
Tác giả có bút danh Su Su trên 1 tờ báo đã dùng nhiều lời lẽ mà theo NSƯT Hoài Linh là "chưa tìm hiểu kỹ, hoặc bạn chẳng biết tí gì, nên bạn phán còn hơn Thánh phán" khi đánh giá về sự kiện Giỗ tổ ngành Sân Khấu đã khiến anh phải viết tâm thư hồi đáp.

Cách đây ít giờ, trên trang cá nhân của mình, NSƯT Hoài Linh bất ngờ đăng tải bức tâm thư kèm theo hình ảnh chụp lại bài báo của tác giả có bút danh Su Su trên báo Tiền Phong. 

"Gửi nhà báo Su Su phóng viên báo Tiền Phong.

Trước tiên tôi xin lỗi, vì không biết Su Su bao nhiêu tuổi để xưng hô cho phải phép, nhưng đọc tên phóng viên Su Su thì tôi nghĩ bạn còn "non" tuổi lắm. Thôi thì xưng hô tôi và bạn cho tiện nhé. 

hoai-linh.JPG
Bức thư của NSƯT Hoài Linh


Đọc xong bài báo của bạn tôi nghĩ bạn nên học thêm về kiến thức và tìm hiểu thêm về Tổ nghề của chúng tôi. Nghề nào cũng phải có người khai sinh ra lâu đời và là người đầu tiên thì xem như là Tổ nghề.

Nghề của nghệ sĩ chúng tôi không phải chỉ thờ Tổ sân khấu mà còn thờ "Thập Nhị Công Nghệ, Tiền Hiền, Hậu Hiền và cả những Khán Giả ân nhân của chúng tôi. Ngày giỗ Tổ của chúng tôi cũng đã được nhà nước công nhận là ngày "Truyền thống ngành sân khấu" rồi đấy."

hoai-linh-2.jpg
Hình ảnh NSƯT Hoài Linh trong ngày giỗ tổ được tổ chức thường niên


Trước đó, trong bài báo của mình, tác giả có bút danh Su Su đã viện dẫn nhiều nguồn tin mơ hồ và các đánh giá chủ quan, không xuất phát từ việc đi thực tế để có thể có được thông tin, hình ảnh đa chiều hơn về hoạt động Giỗ tổ nghiệp Sân khấu diễn ra cách nay không lâu. Trong bài báo của mình, tác giả Su Su viết:

"Có thông tin hàng nghìn người đã đổ về nhà thờ tổ của danh hài Hoài Linh, nhân ngày sân khấu Việt Nam. Không chỉ qui tụ các gương mặt nghệ sỹ tên tuổi, rất nhiều người dân thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau cũng đã tìm đến nhà thờ tổ của Hoài Linh để tham quan, xin lộc, bất chấp thời tiết không ủng hộ.

bai-bao.JPG
Bài báo kèm hình ảnh NSƯT Hoài Linh của tác giả Su Su trên báo TP khiến Hoài Linh phiền lòng, viết tâm thư


Chính sự ồn ào này đã khiến dư luận đặt ra nhiều thắc mắc: Đền thờ của giới nghệ sỹ liên quan gì đến “lộc” mà người dân xin? Có người nói: Nghệ sỹ càng ngày càng… đồng bóng. Một câu hỏi nghiêm túc buộc những người làm công tác quản lí văn hóa phải lưu tâm: “Các nghệ sỹ  mạnh ai nấy xây nhà thờ tổ. Khéo rồi khắp dải đất hình chữ S nhan nhản những nhà thờ tổ của ngành sân khấu.

Hiện trạng đáng suy nghĩ: Trong khi ở phía Nam, dòng người nô nức chảy về nhà thờ tổ của Hoài Linh. Ở phía Bắc, nhà thờ tổ nghiệp của Vượng Râu lại là điểm đến. Một độc giả khuyến khích: Bắc, Nam đều đã có nhà thờ tổ, chỉ thiếu cái ở miền Trung nữa thôi. Nghệ sỹ nào tiếp bước Hoài Linh, Vượng Râu xây thêm một cái cho đủ bộ Bắc - Trung - Nam?"

Có thể thấy người viết đã "dựa" vào những luồng ý kiến trái chiều của dư luận ở đâu đó trên mạng để lồng ghép, đưa vào bài viết: "dư luận đặt ra nhiều thắc mắc", "có người nói", "một độc giả khuyến khích"... kèm với đó là những lời lẽ khiến NSƯT Hoài Linh bức xúc: "Nghê sĩ ngày càng đồng bóng". Chính vì thế Hoài Linh đã đáp trả:

"Vấn đề này chắc bạn chưa tìm hiểu kỹ, hoặc bạn chẳng biết tí gì, nên bạn phán còn hơn Thánh phán rồi đấy Su Su ạ. Việc thờ Tổ nghề của chúng tôi chẳng liên quan gì đến đồng bóng như bạn phán đâu nhé. Vì trong tín ngưỡng thờ Mẫu, không thờ Tổ nghề sân khấu."

khuon-vien-nha-tho-to.jpg
Khuôn viên đền thở Tổ nghiệp ngành Sân khấu do Hoài Linh chủ trương xây dựng ở phường Long Phước, quận 9, TP HCM

Còn việc bạn đề cập đến khán giả của chúng tôi không liên quan gì đến Tổ sân khấu mà vẫn đến xin lộc thì bạn đi hơi bị xa rồi đấy. Khán giả là những người trực tiếp nuôi nghệ sĩ chúng tôi, vả lại một năm có một ngày khán giả có thể gần gũi anh, em nghệ sĩ chúng tôi nhất.

hoai-linh-3.jpg
Hình ảnh khán giả đến đền thờ Tổ nghiệp do Hoài Linh xây dựng tại Q.9, TP.HCM để được gặp gỡ, giao lưu nghệ sĩ và dâng hương.


Khán giả của chúng tôi đến không phải để xin lộc mang về, bạn nói như thế là đụng chạm hơi nhiều khán giả của chúng tôi đấy. Khán giả của chúng tôi đến để dâng hương cho những bậc tiền bối quá cố của chúng tôi, mà khán giả chúng tôi ái mộ từ xưa và giao lưu với nghệ sĩ, như thế không được à Su Su?"


Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả Su Su vẫn tiếp tục viện dẫn nhiều luồng ý kiến trái chiều từ đâu đó không có nguồn gốc rõ ràng:
 
"Hoài Linh hứng nhiều chỉ trích: “Các nghệ sỹ dường như càng ngày càng “lên đồng” hoặc tìm chỗ bấu víu tâm linh hoặc tìm cách tạo dấu ấn. Xét về mọi nghĩa, Vượng Râu và Hoài Linh đang góp phần thêm cho mớ vàng thau hiện nay”. Ý kiến khác: Việc hàng ngàn người đổ đến nhà thờ tổ của Hoài Linh phải chăng cũng là một sự loạn lễ hội?

hoai-linh-1.jpg
NSƯT Hoài Linh trong ngày Giỗ tổ ngành Sân khấu

Giỗ tổ là cần thiết nhưng hình như mọi sự đang đi quá đà… Tất nhiên danh hài cũng nhận được nhiều tung hô ngang ngửa chỉ trích: “Hoài Linh đâu chỉ có tài diễn. Anh còn có tài hội tụ, dung hòa các nghệ sỹ và người hâm mộ”. Lại có người tròn mắt sau khi ngắm công trình nhà thờ tổ của danh hài: “Hoài Linh giàu quá”. Có người vẫn còn dư âm của phim “Người phán xử” thì tôn Hoài Linh lên làm “ông trùm”: “Thế này thì Hoài Linh thành ông trùm rồi nhỉ."

Trước những đúc kết, phán xét về một hoạt động có tính chất tâm linh trong ngày "Truyền thống ngành sân khấu" bằng một lối hành văn mang tính chụp mũ như vậy, NSƯT Hoài Linh đã không khỏi bức xúc, anh viết:

"Tín ngưỡng mỗi nghề mỗi khác, quan trọng là chúng tôi nhớ đến những bậc khai sáng nghề nghiệp. Đó là sự thể hiện truyền thống "Tôn Sư, Trọng Đạo, Uống Nước Nhớ Nguồn" của người Việt Nam từ bao đời nay. 

Thôi vài dòng gửi bạn, chứ giải thích nhiều thì bạn cũng không hiểu hết được đâu. Chúc bạn thành công trên con đường mà bạn đã chọn.

PS: Lần sau viết báo, nếu tiện thì nên để tên thật bạn nhé, để mọi người còn biết đến bạn và gọi tên bạn. Chứ Su Hào, Bắp Cải thế này thì phí thời gian ngồi cào bàn phím lắm. Chào bạn."

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm