Hoại tử mũi sau khi tiêm chất làm đầy

05/03/2017 - 10:28
Một mũi tiêm giá 3 triệu đồng được quảng cáo giúp làm đầy mũi, có nguồn gốc từ Hàn Quốc, khiến thiếu nữ 17 tuổi 'mê tít' nên đã tiêm liền 3 mũi. Hậu quả là sau đó cô bị tắc mạch khiến nhiễm trùng, có dấu hiệu hoại tử.
Nạn nhân là chị Phùng Thị B. 17 tuổi, ở Móng Cái, Quảng Ninh. Sau Tết, B. ra Hà Nội chơi và được giới thiệu tới làm đẹp tại một thẩm mỹ viện (TMV) ở phố Trung Kính, Hà Nội.

Tại đây, B. được nhân viên hướng dẫn tiêm chất làm đầy "có nguồn gốc từ Hàn Quốc" để nâng cao mũi. Người tiêm cho B. tự nhận là y tá, có theo học một bác sĩ thẩm mỹ trong TPHCM. Mũi tiêm có giá 3 triệu đồng. B. được tiêm 3 mũi dọc theo sống mũi. Ngay sau khi tiêm, cô thấy xuất hiện một đường trắng từ gốc mũi chạy lên trên trán. Vệt trắng này không lâu chuyển sang màu đỏ tím kết hợp với tình trạng đau rát vùng mũi. Sang ngày thứ 2 sau khi tiêm, vết bầm tím dần dần lan xuống dưới và bao trùm toàn bộ đầu mũi, xuất hiện hoại tử cánh mũi trái và các bọng nước ở tháp mũi, đầu mũi. Sau đó, B. phải tới cơ sở y tế giải quyết hậu quả vì mũi có dấu hiệu hoại tử.
mui.jpg
 Mũi của B. có dấu hiệu hoại tử sau tiêm chất làm đầy
Đây không phải lần trường hợp đầu tiên bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Trước đó, tháng 7/2016, tại Hà Nội, một bệnh nhân nữ 23 tuổi đã bị nhiễm trùng, sưng và hoại tử toàn bộ môi dưới sau khi tiêm chất làm đầy. Tại TPHCM, tháng 12/2016, một bệnh nhân nữ 22 tuổi bị thuyên tắc động mạch não trái và động mạch mắt trái sau khi tiêm chất làm đầy, bệnh nhân bị liệt nhẹ nửa người phải và mù mắt phải.

Hiện nay, quảng cáo tiêm chất làm đầy xuất hiện tràn lan trên mạng. Trên trang facebook cá nhân của một nickname tên A.H tung lên hình ảnh những khách hàng được bàn tay “ma thuật” của cô chủ cơ sở thẩm mỹ tại nhà (tạm gọi là cơ sở thẩm mỹ - PV) "biến hóa". Theo lời quảng cáo trên trang thông tin này, các dịch vụ tiêm cằm, môi, mũi được thực hiện nhanh chóng, khách hàng không sưng, không đau, nhanh chóng trang điểm, ăn uống mà không ảnh hưởng gì. Giá thành cũng khá hợp lý.
tm.jpg
Dọc sống mũi B. sưng tấy, biến dạng 
Chủ tài khoản facebook đó còn “rủ” các khách nên tiêm cùng nhau cho tiết kiệm chi phí. Bởi nếu tiêm cùng nhau thì chi phí là 6 triệu đồng/lần tiêm cằm hoặc mũi. Còn tiêm lẻ là 8,5 triệu đồng cho mỗi bộ phận.

Cân nhắc kỹ trước khi tiêm chất làm đầy

BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình-hàm mặt, BV Việt Nam-Cu Ba, Hà Nội, khẳng định: Những kỹ thuật tiêm làm đẹp phải do các bác sĩ được cấp phép thực hiện. Tiêm chất làm đầy thực chất là tiêm vào cơ thể chất giữ nước tạo gel nhưng nó sẽ tự tiêu trong vòng 18-24 tháng. Trong thành phần chất làm đầy có thêm thuốc tê và kháng sinh. Đối với ngành phẫu thuật thẩm mỹ, chất làm đầy không mới nhưng hiện nay có nhiều sản phẩm khác nhau. Ngay cả bác sĩ tay nghề kém tiêm không đúng cũng có thể gây tai biến chứ chưa nói đến người tiêm không phải là bác sĩ.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn, Hà Nội, cho hay: Nếu thực hiện tiêm tại các cơ sở không có bác sĩ được phép tiêm, dễ dẫn đến tai biến, không an toàn. Vì khi sử dụng kim tiêm sắc nhọn, sẽ làm tổn thương mạch máu, là điều kiện thuận lợi để chất đó làm thuyên tắc mạch máu, có thể gây hoại tử vùng da và mô mềm do mạch máu đó nuôi dưỡng. Hơn nữa, mọi người cần thăm khám kỹ trước khi tiêm, bởi những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường không nên thực hiện.

Tiêm chất làm đầy có thể gặp những biến chứng nhẹ bao gồm: Dị ứng, sưng tấy, phù nề, tụ máu và cảm giác khó chịu. Các biến chứng nặng như nhiễm trùng, tạo u hạt và tắc mạch (biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất). Tắc mạch xảy ra ở bất cứ động mạch nào trên mặt nếu như tiêm chất làm đầy vào lòng mạch. Các động mạch ở trán, má, môi, mắt dễ bị tổn thương, hậu quả dẫn tới hoại tử vùng da dọc theo đường đi của động mạch. Hoại tử không hồi phục vùng môi, mũi, má, thậm chí mù mắt hoặc nhồi máu não là những biến chứng đã được cảnh báo.

Lời khuyên của bác sĩ cho những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện; không nên thực hiện ở những cơ sở chui.

Theo GS Trần Thiết Sơn, hiện các sản phẩm làm đầy chứa acid Hyalurounic hữu cơ được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, sử dụng phổ biến là Restylane, Juvederun, Radiess, Filler do các sản phẩm này có thành phần chính là acid Hyalurounic hữu cơ thích ứng được với cơ thể của con người. Tuy nhiên, thực chất các chất được gọi là chất làm đầy không dừng lại ở những chất trên. Bên cạnh silicone lỏng, một loạt chất làm đầy từ Trung Quốc, Hàn Quốc… chưa được phép sử dụng cũng được nhiều cơ sở chui tiêm cho người có nhu cầu, giá thành rẻ hơn gấp 3-4 lần so với các chất làm đầy hợp pháp. Nguy hiểm nhất là silicone lỏng được sử dụng trá hình dưới các tên là chất làm đầy hay mỡ nhân tạo, chắc chắn gây nguy hiểm cho người tiêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm