Học cách kiên nhẫn để chế ngự cơn bốc hỏa ngùn ngụt trong đầu

Trí Việt
17/09/2021 - 23:47
Học cách kiên nhẫn để chế ngự cơn bốc hỏa ngùn ngụt trong đầu
Ít người biết rằng cơn giận dữ và tính kiên nhẫn lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Học cách kiên nhẫn để cho cuộc sống hạnh phúc, viên mãn và đầy niềm vui.

Ta thường gặp hình ảnh sau trong bất kỳ một siêu thị nào: Những người mẹ kiệt sức sau một ngày làm việc mệt nhọc, đi gần như chạy giữa các kệ hàng để chọn vài thứ cho bữa tối, tay thì nắm chặt đứa con nhỏ. Đứa bé dù cũng đói và mệt nhưng do bản tính trẻ con hiếu động cứ nhất định đòi mua cái này cái kia... "Con muốn lấy cái này, nhất định cái này!" - Nó hét tướng lên, lăn lộn vòi vĩnh dưới sàn. Người mẹ tức giận tóm lấy đứa bé, lôi dậy, mắng một chập và đùng đùng kéo nó ra khỏi cửa hàng... Tất cả những người chứng kiến, kể cả người mẹ và đứa trẻ, chắc chắn đều cảm thấy nặng nề và khó chịu!

Khi bắt đầu nghiên cứu về tính kiên nhẫn, tôi đã chú ý xem sự giận dữ và tính kiên nhẫn có mối liên hệ với nhau như thế nào. Tôi đã rút ra được kết luận rằng giận dữ là kết quả trực tiếp của việc thiếu kiên nhẫn, là vì chúng ta thiếu sự khoan dung với những sự việc hay người nào đó làm ta nổi giận.

Đầu ta dễ dàng bốc khói ngùn ngụt vì những điều tưởng chừng rất đơn giản: "Tại sao anh cứ bẻ khớp tay liên tục như vậy làm đầu tôi phát điên lên?", "Tại sao cô cứ nói "thật tuyệt" bằng cái giọng ngớ ngẩn với tất cả mọi việc như vậy?", "Tại sao mấy anh chàng bưu điện cứ quẳng vào nhà tôi hàng đống thư quảng cáo vậy?"... Chúng ta giận dữ vì chúng ta không muốn bị đặt vào tình thế bị động!

Đây là điều khá ngạc nhiên đối với tôi. Tôi biết rằng mình thường thiếu kiên nhẫn, thỉnh thoảng hay giận dữ và mất bình tĩnh nhưng tôi không nghĩ thiếu kiên nhẫn và giận dữ lại liên quan với nhau. Dường như chúng ở các trạng thái cảm xúc riêng biệt, hoạt động độc lập với nhau. Nhưng trên thực tế, các kết quả nghiên cứu đã chứng minh, thiếu kiên nhẫn là một quá trình liên tục của nhiều trạng thái khác, bắt đầu bằng những cơn bực dọc, dẫn đến sự giận dữ và cuối cùng là một cơn thịnh nộ thực sự.

Vậy có nghĩa điều ngược lại cũng đúng. Càng kiên nhẫn chúng ta càng ít trải qua cảm giác bực dọc, giận dữ và những cơn thịnh nộ. Nếu người mẹ tội nghiệp trong siêu thị kia cố gắng giữ bình tĩnh hơn nữa thì chị ấy đã có thể tránh được tình huống khó chịu kia. Chị có thể trò chuyện với con để đánh lạc hướng sự chú ý của bé, hoặc là đưa ra một đề nghị khác dễ chấp nhận hơn, hoặc chỉ đơn giản là điềm tĩnh đứng đó chờ cho cơn làm mình làm mẩy của con qua đi. Bất cứ một lựa chọn nào cũng sẽ tốt hơn cho cả hai.

Nhưng không phải cơn giận dữ nào cũng xấu. Chúng ta đừng bao giờ chịu đựng lợi dụng hoặc xúc phạm. Việc nổi giận trong những tình huống này là một dấu hiệu cảnh báo cần thiết, rằng sức chịu đựng của ta đã bị xâm phạm quá mức và chúng ta cần có một khoảng cách an toàn. Và cũng có những cơn giận dữ chính đáng khi nó chống lại sự bất công thể hiện dưới các hình thức khác nhau, ví dụ như khi thấy một người thế cô nào đó bị hà hiếp giữa đường hay sự không công bằng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe...

Để chống lại các cơn giận dữ và bực tức, chúng ta cần mở rộng lòng ra hơn nữa để có thể cảm thông và khoan dung với những khiếm khuyết của người khác - mà trong những trường hợp tương tự, chính chúng ta cũng có thể cư xử như vậy. Những biểu hiện của lòng kiên nhẫn như thế được thể hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày - lòng kiên nhẫn mà chúng ta cần để luôn giữ được sự tôn kính với cha mẹ ngay cả khi họ dường như chẳng quan tâm xem đối với chúng ta điều gì là quan trọng; sự bình tĩnh để đối phó với lũ trẻ khi chúng cứ đòi ăn kem hoặc nhuộm tóc dù ta đã nói "Không được!" đến lần thứ hai mươi; sự kiên trì để tiếp tục làm việc chung với người sếp ta vốn không mấy thiện cảm... Khi kiên nhẫn, chúng ta sẽ biết chính xác hơn khi nào thì cần chấp nhận hậu quả mà không phàn nàn gì.

Có một câu ngạn ngữ Ailen như sau: "Khi bạn giận dữ, bạn là người mang gánh nặng trong lòng giữa lúc những người khác đang vui vẻ nhảy múa ngoài kia". Càng trau dồi tính kiên nhẫn, chúng ta càng ít giận dữ và càng có cơ hội sống một đời hạnh phúc, mãn nguyện và đầy niềm vui.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm