Học phí khủng ở trường con nhà giàu: Những cú rẽ bất ngờ

22/03/2017 - 06:00
Gần nửa tỉ đồng mỗi năm đầu tư cho con đi học ngay trong nước, rõ ràng các trường học quốc tế, tư thục ở Hà Nội chỉ dành cho một nhóm gia đình con nhà đại gia. Thế nhưng, không ít cha mẹ cho con 'rẽ ngang' không phải vì lý do học phí.

Những điểm mạnh

Không thể phủ nhận, với áp lực học tập lớn hiện nay của không ít học sinh hệ thống các trường công lập, tâm lý của các phụ huynh có kinh tế khá giả là muốn cho con một môi trường học tập không chỉ đầy đủ cơ sở vật chất mà còn giảm tải áp lực học tập, chú trọng kỹ năng sống, phát triển thể chất…

Anh Phan Hồng Minh (Q.Ba Đình, Hà Nội) có con đang theo học hệ thống trường mầm non Maple Bear ở đường Hoàng Hoa Thám, nhìn nhận: “Mỗi tháng tôi chi gần 20 triệu đồng cho con học tại đây. Đổi lại con được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng, thậm chí tham gia các hoạt động từ thiện… Con vui vẻ, tự lập hơn mỗi ngày nên tôi thấy tiền mình bỏ ra xứng đáng”.

Một số phụ huynh khác lựa chọn trường quốc tế cho con học bởi kỳ vọng vào phương pháp dạy học thân thiện, khoa học khiến các em có hứng thú đến trường hơn.

sinh-vien-su-pham-duoc-thuc-tap-trong-truong-quoc-te-1.jpg
Nhiều phụ huynh hài lòng vì sự phát triển tự tin, độc lập của trẻ khi cho con học ở trường quốc tế. Ảnh minh họa

Chia sẻ về ngôi trường quốc tế nơi con gái lớp 7 đang theo học, chị Lại Thùy Linh (Q. Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều người nghĩ trường quốc tế là học ít, nhưng không phải vậy, lịch học của con chị khá dày, thường từ 8h30 sáng đến 4 giờ chiều nhưng không thề thấy cháu bị áp lực với việc học.

“Theo như con tôi kể thì các cháu được thoải mái thể hiện ý kiến. Cháu rất thích với việc làm việc nhóm, hoạt động tập thể và học kĩ năng sống. Chính kiến của học sinh cũng được thể hiện rất cởi mở, không theo lối “thầy dạy trò nghe” thường thấy nên tôi cũng khá hài lòng về điều này”- chị Thùy Linh chia sẻ.

Với những phụ huynh có ý định cho con đi du học thì trường quốc tế, tư thục là sự lựa chọn hàng đầu bởi các trường này chú trọng lớn về dạy ngoại ngữ. Nhiều môn học, học sinh được học trực tiếp với giảng viên người nước ngoài và học bằng tiếng nước ngoài thay vì học bằng tiếng Việt.

Chất lượng có tương xứng?

Tuy nhiên, không phải lúc nào phụ huynh cũng cảm thấy hài lòng với số tiền mình bỏ ra. Rất nhiều phụ huynh sau khi cho con học trường quốc tế ở hệ mầm non đã xoay chuyển “180 độ” sang trường tiểu học công lập.

Trường hợp của chị Hoàng Oanh (Q. Tây Hồ, Hà Nội) là một ví dụ. Bỏ ra mỗi tháng hơn 1.000 USD cho con gái học ở một trường mầm non quốc tế gần nhà, chị Oanh khá hài lòng với trình độ tiếng Anh và sự tự tin, hoạt bát của con.

Tuy nhiên, hai vợ chồng chị Oanh đã bàn bạc rất kỹ trước khi quyết định thay đổi môi trường học tập cho con. “Cháu vẫn còn chặng đường 12 năm để học tập và trưởng thành. Trong khi môi trường ở trường quốc tế quá lý tưởng, đầy đủ, gần như chúng tôi cảm thấy cháu được “nuông chiều”. Chưa kể phần lớn bạn bè của cháu đều là người nước ngoài. Chúng tôi muốn con thay đổi một chút để cháu học cách “chiến đấu” với mọi điều”- chị Oanh phân tích.

Chọn một trường tiểu học tư thục, mức học phí không quá cao, việc học cũng không quá áp lực cho con, hiện vợ chồng chị Oanh cảm thấy rất hài lòng khi con gái vẫn có những trưởng thành theo đúng nguyện vọng của anh chị.

Với chị Nguyễn Thu Huyền (Q. Cầu Giấy), lựa chọn trường quốc tế cấp THCS cho con trai không khiến chị hài lòng hoàn toàn. Mỗi năm, chị đóng gần 200 triệu đồng cho con học tại hệ thống trường Olympia. Đúng kiểu “học ít, chơi nhiều”, môi trường học tập thân thiện và gần gũi, chị nhận được sự quan tâm rất sát sao của giáo viên dành cho con trai mình.

mg_0354.jpg
Ảnh minh họa

“Ở trường này, mỗi nhóm học sinh có một giáo viên (gọi là Advisor) nắm rất kỹ tình hình của con để thông báo kịp thời cho phụ huynh mỗi ngày khi có thay đổi hay bất thường gì từ con. Các con được quan tâm, chăm sóc kỹ càng ở nhiều mặt. Điều này rất tốt nếu phụ huynh nào quá bận rộn mà ít có thời gian quan tâm đến con, nhưng với tôi thì không ổn lắm”.

Theo chị Huyền, ở khía cạnh nào đó, cách thức này vô tình tạo cho con tính ỉ lại, luôn phụ thuộc để người khác phải nhắc nhở. Con được chơi, được chiều chuộng nhiều, với những bạn có ý thức cá nhân cao, càng cuối cấp càng thấy... hoang mang.

“Khi chuẩn bị vào cấp THPT, con tôi vẫn phải đi học thêm ở ngoài vì cháu rất lo không theo kịp kiến thức với các bạn trường khác. Khi con vào lớp 10, tôi quyết định chuyển trường cho con để cháu tăng tốc việc học hơn”- chị Huyền nói.

Chị Lê Hương (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), có con học trường liên cấp Olympia cho biết, lý do chị chọn trường cho con vì cấp THCS có bán trú, con được quan tâm sát sao, đặc biệt cha mẹ có thể yên tâm về các bữa ăn ở trường của con trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động hiện nay. Mỗi năm chị đóng từ 20-22 triệu đồng cho khoản này để con có thể ăn đủ các bữa ăn sáng, trưa, chiều nhẹ ở trường nếu muốn. 

Theo các phụ huynh này, lựa chọn môi trường học cho con, nhiều khi không hẳn cứ trường có học phí cao, cơ sở tốt đã là tốt. Việc tốt hay không cho con, hóa ra lại phụ thuộc nhiều vào cá tính, tính cách của mỗi đứa trẻ. Tìm một ngôi trường để con cảm thấy phù hợp với việc học, cảm thấy vui vẻ theo cách của riêng con, là điều mà cha mẹ nên lưu tâm trước khi chọn trường cho con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm