Học sinh lo vì môn giáo dục công dân học giả, thi thật

22/09/2016 - 00:00
Do lần đầu tiên được đưa vào cơ cấu đề thi, không ít học sinh tỏ ra lo lắng bởi lâu nay môn này vẫn chỉ học... "chơi chơi".
_mg_0363.JPG
Lo lắng và lúng túng là tâm trạng của nhiều học sinh lớp 12 khi môn Giáo dục công dân được đưa vào cơ cấu đề thi THPT Quốc gia 2017 (thuộc bài thi tổng hợp Khoa học xã hội, cùng với Lịch sử và Địa lý).  

Cho rằng học môn này không khó, nhưng lại chủ yếu học kiểu lý thuyết nên Nguyễn Đức Toàn (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) lúng túng không biết sẽ thi thế nào. “Em thấy thi Giáo dục công dân không thực tiễn lắm, bởi môn này không chú trọng vào phần ứng dụng để lên đại học học. Chỉ là một môn học phụ đơn thuần như công nghệ, thể dục nên em không hiểu đề thi sẽ ra như thế nào và học sinh phải học ra sao!”.

Trong khi đó, Bùi Việt Hoa (học sinh lớp 12 ở tỉnh Quảng Trị) cũng không khỏi bất ngờ và băn khoăn khi sẽ thi môn học này. “Đúng là lâu nay chúng em đều có tâm lý chỉ học những môn sẽ thi tốt nghiệp và chú trọng các khối thi đại học, còn các môn phụ như thể dục, công nghệ và Giáo dục công dân thì đúng là kiểu vừa học vừa chơi, rất chủ quan. Vì thế năm nay thi luôn môn này em rất lo”.

Hiểu chưa đúng về vai trò của môn học khiến nhiều học sinh đang xem nhẹ môn học này. Điều này khó lòng trách học sinh bởi nhìn vào kiến thức bộ môn mà các em đang học, có thể thấy lượng kiến thức không hề nhỏ về triết học Mác - Lenin (lớp 10), về các chính sách kinh tế - xã hội (lớp 11)... Riêng kiến thức pháp luật ở lớp 12 khá rộng song giáo viên dễ dạy hơn và học sinh dễ hào hứng do có sự liên hệ thực tiễn cao, gắn với đời sống.

thi.jpg
 Không nhiều học sinh hứng thú với bộ môn Giáo dục công dân do môn học này chưa được coi trọng đúng mức. 

Điều này được cô giáo Trịnh Thị Thủy (trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) chia sẻ, nếu để học sinh thi cả kiến thức lớp 10 và 11 thì quá khó cho các em. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi chỉ thi nội dung kiến thức lớp 12. “Môn học này không cần thiết trang bị nhiều kiến thức nặng nề, nhiều nội dung hơi xa. Thay vào đó cần chú trọng các nội dung gắn với thực tiễn cuộc sống, trong đó tập trung rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức cho các em. Như vậy bộ môn này mới phát huy được đúng vai trò” - cô Trịnh Thị Thủy cho hay.

Thêm vào đó, lâu nay bị xem là môn phụ nên sự đầu tư của các trường dành cho môn học này luôn hạn chế hơn các môn học khác. Chính vì vậy, một số giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân lo lắng thiếu tài liệu giảng dạy, kiến thức ở sách giáo khoa đơn thuần thì không đủ bao quát để chuẩn bị cho việc ôn tập của học trò. Khó khăn thường trực của giáo viên bộ môn này là tự tìm tòi tài liệu qua nhiều kênh như internet, thông tin thời sự, thực tiễn cuộc sống… Đặc biệt, giáo viên ở vùng nông thôn, miền núi thì càng gặp khó khăn hơn trong tiếp cận tài liệu để dạy học đạt hiệu quả.

* Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT: Ý tưởng đưa môn Giáo dục công dân vào cơ cấu đề thi là để tránh tình trạng học sinh học lệch. Học sinh chưa thi môn này bao giờ nên tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh cứ yên tâm ôn tập bình thường. Câu hỏi sẽ có sự phân hóa khác nhau và vận dụng kỹ năng để đảm bảo học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm