Học sinh lớp 5 đoạt giải Nhất nhờ viết về cuốn sách ‘Trường Sa nơi ta đến’

16/09/2019 - 18:45
Vượt qua gần 1 vạn bài tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 9/2019, em Tạ Ngân An, học sinh lớp 5A1, trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi khi viết về cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến”.
hoc-sinh.jpg
Học sinh hào hứng tham gia Lễ trao giải Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 9/2019 do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức

Chỉ sau 5 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1 vạn bài dự thi của học sinh mọi lứa tuổi, từ tiểu học đến THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tình yêu với văn hóa đọc và sự say mê, tâm huyết trên từng trang viết, phần lớn các bài dự thi đều thể hiện một tình cảm nồng nhiệt, sâu sắc đối với cuốn sách mà các em đã đọc và yêu thích nhất.

Có những em nhỏ mới học lớp 2, nhưng đã rất hứng thú với cuộc thi và gửi đến cuộc thi bằng bài viết tay với hàng chữ ngay ngắn, tròn trịa. Em Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 3A4 trường tiểu học Thanh Am (Long Biên) đã nắn nót viết câu đầu tiên của bài dự thi: “Mỗi cuốn sách là một bức tranh kỳ diệu về cuộc sống, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời tri thức mới. Trong thế giới sách hiện nay, có rất nhiều quyển sách hay, đem đến những điều thú vị”.

Điều rất bất ngờ so với các năm trước là năm nay, các em đã chọn viết sách về đề tài lịch sử, sách của các tác giả Việt Nam. Các em bày tỏ cảm xúc của mình trước lịch sử hào hùng của dân tộc như những bài viết về cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống trong các bài viết về cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Những ngôi sao xa xôi”, tự hào về những nhân tài đất Việt như “Bạch Thái Bưởi - khẳng định doanh tài nước Việt”…

_d4a0353.JPG
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội trao giải Nhất cho học sinh Tạ Ngân An, lớp 5A1, trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội)

Việc đọc những cuốn sách này đã giúp các em cũng như thế hệ các em bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc, hiểu hơn giá trị của hòa bình. Từ đây, các em nhận thức rõ mình cần phải sống tốt hơn để xứng đáng với thế hệ cha anh, biết yêu thương mọi người xung quanh, yêu thương cha mẹ, gia đình, người thân...

Đây cũng là lần đầu tiên, BTC cuộc thi nhận được hàng chục bài dự thi viết về những cuốn sách đề cập đến nạn ấu dâm, một vấn đề rất thời sự mà xã hội đang đối diện và lên án gay gắt. Cuốn sách “Yujin lớn, Yujin bé” của tác giả Lee Geum Yi (Hàn Quốc) đã được nhiều học sinh chọn viết. Hay như vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay là nạn rác thải, thói quen sử dụng túi nilon đã khiến môi trường bị băng hoại nặng nề cũng là đề tài tâm huyết của các em khi viết về những cuốn sách bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo, giữ gìn Trái đất xanh, nói “không” với rác.

Cùng đọc cảm nhận của em Tạ Ngân An, học sinh lớp 5A1, trường tiểu học Lý Thường Kiệt về cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến”:

“Cuốn sách thoạt nhìn rất bình thường, không có màu sắc lấp lánh, bắt mắt như những cuốn truyện được bày trong nhà sách. Nhưng càng đọc, những câu chuyện chân thực mà cô Trà (tác giả Nguyễn Mỹ Trà) đã ghi chép và kể lại trong chuyến công tác tại Trường Sa thật cảm động. Em thấy vô cùng khâm phục các chú bộ đội, yêu quý các ngư dân và thương các bạn nhỏ và đặc biệt thích những chú cún ở Trường Sa.

“Trường Sa nơi ta đến” mang lại cho em nhiều ấn tượng. Mở ra cho em một tầm nhìn xa hơn về lịch sử đất nước, quê hương mình.

Trong năm học vừa qua, trường em tổ chức Ngày hội Sách và trong cuộc đấu giá sách để lấy kinh phí xây dựng thư viện nhà trường và mua sách tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn, em đã trở thành người bán đấu giá thành công nhất khi mang về con số 1,2 triệu đồng cho cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” của tác giả Nguyễn Mỹ Trà!

Niềm vui lớn đã tới với ngôi trường tiểu học Lý Thương Kiệt, khi cô Mỹ Trà và một chú bộ đội ở Trường Sa đã về tận trường để tặng nhà trường cuốn sách có đầy đủ bút tích và con dấu của các nhân vật và các đảo, chú bộ đội còn tặng trường em một lá cờ tổ quốc thấm nắng, gió và sóng biển Trường Sa.

Cô Mỹ Trà đã dành thời gian trò chuyện với chúng em, kể về Trường Sa cho chúng em nghe. Đó là những kỷ niệm thật đẹp và đáng nhớ!

Những cảm xúc dào dạt của tác giả Mỹ Trà, sự cổ vũ từ Mẹ và anh trai đã thôi thúc em chọn cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” để tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em!” ngày hôm nay.

Em thấy mình và các bạn quá may mắn khi được sống giữa thủ đô, với nhiều điều kiện thuận lợi, vậy mà vẫn chưa thực sự cố gắng, vẫn hay đòi hỏi, vòi vĩnh cha mẹ nhiều thứ. Em cảm phục và yêu mến những người bạn nhỏ ở Trường Sa, các bạn giống như những người lính nhỏ, đầy nghị lực vượt qua khó khăn mà vẫn chăm học, hồn nhiên, ngoan ngoãn.

28694153_1804780372874115_2106736458_o_vsnh.jpg
Cuốn sách "Trường Sa nơi ta đến" mở ra cho Ngân An một tầm nhìn xa hơn về lịch sử đất nước, quê hương Việt Nam

Em nhớ lời tác giả Mỹ Trà chia sẻ với cả lớp em rằng: “Cô và tất cả người dân nước Việt Nam mong muốn là Trường Sa sẽ không phải là vùng đất quân sự mà trở thành điểm du lịch để mọi người được tới trong bình yên và niềm tự hào”.

Mẹ vẫn dành câu danh ngôn của tác giả Gustavơ Lebon  để nhắc nhở chúng em mỗi khi chọn sách để đọc đó là: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”.

Với em thì “Trường Sa nơi ta đến” của tác giả Nguyễn Mỹ Trà đã thực sự là một cuốn sách hay và yêu thích của em!”.

Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 9/2019 do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức đã nhận được hơn 1 vạn bài dự thi. Đã có 22 bài dự thi xuất sắc nhất được trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích, 04 giải tập thể là các trường có đông thí sinh dự thi và bài thi có hình thức trình bày đẹp.  

 

Mỗi một cuốn sách đến với mỗi độc giả là đem đến một sự thay đổi. Đó chính là khát vọng của Báo Phụ nữ Thủ đô khi tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” nhằm nâng cao văn hóa đọc, nâng cao tri thức và hướng thế hệ trẻ vươn tới những lối sống tốt đẹp, có ích cho xã hội. Cho đến cuộc thi năm nay, ý nghĩa tích cực đó đã lan tỏa tới các em học sinh. Có thể nói, văn hóa đọc đang là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào giáo dục nhân cách, góp phần vào công cuộc “trồng người” bên cạnh việc học văn hóa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm