pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Học viện Phụ nữ Việt Nam triển khai tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Hội LHPN Việt Nam do Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 30/8 ở Hà Nội, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đã có bài phát biểu tham luận tại Hội nghị về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết. Báo PNVN trích giới thiệu bài phát biểu tham luận của ông Trần Quang Tiến:
"Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công nghiệp, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã triển khai hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị theo hướng tin gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.
Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả
Ngay sau khi có Nghị quyết 18 và 19, Học viện đã chủ động phân tích tổ chức bộ máy và thống nhất sáp nhập Phòng Quản trị Cơ sở vật chất vào Phòng Tổ chức Hành chính.
Nhanh chóng xây dựng Đề án vị trí việc làm giai đoạn 2017-2020 trình Chủ tịch Hội phê duyệt. Học viện là đơn vị đầu tiên hoàn thành và trình đề án sớm nhất trong Hội và Đề án đã được Đoàn Chủ tịch Hội TƯ LHPN Việt Nam phê duyệt. Đề án được phê duyệt là cơ sở để Học viện rà soát, kiện toàn các bộ môn thuộc các khoa chuyên môn cũng như xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự phù hợp.
Trên cơ sở kiến nghị của Đoàn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện đã trình và được TƯ Hội đồng ý thành lập phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng cũng như kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, tên gọi các đơn vị khác: Chuyển nhiệm vụ quản lý khoa học từ Viện Nghiên cứu phụ nữ sang Phòng Hợp tác Quốc tế và đổi tên thành Phòng Hợp tác quốc tế và Quản lý khoa học; đổi tên Trung tâm Công nghệ Thông tin và Thư viện thành Viện Công nghệ Thông tin để thực hiện thêm nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học về Công nghệ thông tin.
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Học viện tiếp tục triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm giai đoạn 2022-2025 và đã được Chủ tịch Hội LHPNVN phê duyệt. So với giai đoạn trước, Đề án vị trí việc làm không có sự thay đổi nhiều về tổ chức bộ máy, dự kiến chỉ tăng thêm 1 đầu mối nhưng số lượng nhân sự tăng lên 251 người, tập trung vào những thay đổi liên quan đến nhân sự làm công tác chuyên môn, đảm bảo tỷ lệ sinh viên/ giảng viên theo yêu cầu của công tác bảo đảm chất lượng.
Đến thời điểm hiện tại và đến năm 2025, bộ máy Học viện là khá tinh gọn, gồm 18 đơn vị thuộc và trực thuộc: 6 khoa chuyên môn, 2 viện, 1 Phân hiệu tại TPHCM, 3 trung tâm và 6 phòng.
Vận hành chuyên nghiệp
Ngay sau khi Học viện được thành lập, đã chú trọng hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định cần thiết với một trường đại học. Tuy nhiên, chỉ sau khi có Nghị quyết 18 và 19, Học viện mới thực sự coi trọng, đẩy mạnh việc thiết lập các chính sách, quy định, quy trình công việc. Gần 30 quy chế, quy định đã được tổ chức xây dựng, chỉnh sửa định kỳ và trở thành các văn bản không thể thiếu trong quá trình vận hành Học viện. Học viện đã nhanh chóng triển khai xây dựng bộ quy trình công việc theo chuẩn ISO, gồm hơn 100 quy trình công việc, đăng ký và được cấp chứng chỉ ISO từ năm 2018, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục vào năm 2020.
Bên cạnh đó, các văn bản chiến lược, triết lý giáo dục của Học viện được hình thành, định hướng con đường phát triển Học viện ngày càng rõ ràng, khoa học. Trong nhiều lĩnh vực, Học viện đã thúc đẩy ứng dụng CNTT vào công việc như tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng và các lĩnh vực hành chính, tài chính của Học viện.
Số lượng và chất lượng cán bộ, viên chức, người lao động đảm bảo nguyên tắc, hiệu quả
Nhân sự của Học viện có sự gia tăng nhanh chóng, tăng khoảng hơn 3 lần so với khi thành lập Học viện. Quá trình tuyển dụng nhân sự dựa trên Đề án vị trí việc làm đã được Chủ tịch Hội phê duyệt cho giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, Học viện thực hiện tuyển dụng theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo thận trọng, gắn với sự thay đổi quy mô hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nguồn thu tài chính.
Những năm gần đây, Học viện coi trọng tuyển dụng nhân sự trình độ cao, nhiều kinh nghiệm và ưu tiên cho làm các công việc chuyên môn. Quá trình tuyển dụng nhân sự cũng đảm bảo tỷ lệ nhân sự làm chuyên môn chiếm trên 65% tổng nhân sự, nhân sự gián tiếp không quá 35% theo yêu cầu của Nghị quyết 19.
Mặc dù có sự gia tăng nhanh về nhân sự nhưng số lượng biên chế - hưởng lương ngân sách lại giảm nhanh, thấp hơn so với biên chế được giao. Học viện đã chủ động giảm số nhân sự hưởng lương cơ bản từ ngân sách năm 2022 xuống còn 35 người. Trong phương án tự chủ trình Hội, năm 2023 sẽ tiếp tục giảm số nhân sự hưởng lương cơ bản từ ngân sách xuống còn 20 người và đến hết năm 2024, Học viện dự kiến cắt giảm toàn bộ số nhân sự hưởng lương cơ bản từ ngân sách nhà nước tại trụ sở chính và Học viện đạt tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên (không tính Phân hiệu)".