Gây tổn thương vì quá rạch ròi

03/08/2015 - 00:10
Là người cùng một nhà, không nên duy trì thái độ quá sòng phẳng, rành rẽ với nhau về tiền bạc.

Vợ là người thành phố, con nhà khá giả, lại từng có thời nổi danh là hotgirl. Chồng là con nhà nghèo, ở quê. Họ gặp nhau tại trường đại học rồi nhanh chóng vương vào tình yêu như định mệnh. Khi ấy, trong mắt cô, anh “rất được”. Anh không chỉ là hình mẫu “sinh viên con nhà nghèo hiếu học” mà trong quan hệ, giao tiếp hàng ngày, ở anh luôn toát lên vẻ chững chạc, tự tin.

Ra trường, anh nhanh chóng tìm được cho mình một công việc ổn định ở thành phố. Rồi họ bàn tính đến việc đám cưới. Bố mẹ nàng yên trí rằng nhà mình rộng, lại chỉ có đứa con gái thì việc vợ chồng nó về ở cùng mình là đương nhiên. Nhưng bố mẹ nàng chưa kịp đưa ra ý kiến thì chàng tuyên bố: “Chúng con không dám phiền bố mẹ nên sẽ ở riêng”. Chiều con, bố mẹ nàng thu xếp mua cho 2 đứa căn chung cư. Song, chàng vẫn thẳng thắn gạt đi: “Con cảm ơn, nhưng việc này cứ để chúng con tự lo”.

Sau đám cưới, vợ rời căn nhà to rộng của gia đình, theo chồng về sống ở một phòng trọ chật chội. Sau vài tháng, các sinh hoạt quá bất tiện, chủ nhà ra nhiều yêu sách, rồi vợ chồng xích mích nặng nề về chuyện nhà cửa. Đường cùng, chồng mới xuống nước, đồng ý chuyển về căn chung cư bố mẹ vợ mua cho. Song, chồng cứ nhất nhất giữ quan điểm: “Sẽ trả tiền nhà dần dần cho bố mẹ”. Với đầu óc tính toán của một dân chuyên về kế toán, chồng căn cứ trên tiền thu nhập của 2 đứa rồi đều đặn mỗi tháng, chồng trích ra một khoản để gửi lại bố mẹ vợ, gọi là “Chúng con trả góp tiền nhà”. Chồng cũng lập cả bảng kế hoạch tài chính dài hạn để ước tính trả bố mẹ trong bao lâu sẽ hết nợ.

Không chỉ “tự lập”, “kiêu hãnh” với những khoản gọi là “to” như thế, ngay cả trong các việc nhỏ, chồng cũng hay giữ thái độ rõ ràng, không nhờ vả gì nhà vợ. Mượn ô tô của bố vợ đi chơi, chồng luôn nhớ “trả” lại bình xăng đầy. Bố mẹ rủ hai đứa đi chơi, đi nghỉ mát, đi ăn nhà hàng... bao giờ chồng cũng nhắc vợ phải “đóng góp” theo kiểu “chia đôi”. Mỗi khi vợ chồng về quê, ông bà thông gia trên này có gửi quà thì khi lên, chồng luôn tự bỏ tiền ra mua quà biếu lại bố mẹ vợ nhiều tương đương, bảo là “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Mỗi lần mẹ mua cho vợ quần áo, đồ ăn, đồ dùng, mỹ phẩm, thuốc men... , khi mang về, bao giờ chồng cũng cằn nhằn, khó chịu rồi sau đó nhắc vợ: “Không nên lấy của ông bà nhiều”... Thậm chí, lần gần đây nhất, khi chồng đi công tác thì vợ ở nhà đột ngột đau ruột thừa, đi viện cấp cứu. Bố mẹ vợ đảm đương toàn bộ thủ tục nhập viện, viện phí cho con gái. Một ngày sau, con rể về, tức tốc lao ngay vào viện và “khẳng định”: “Các việc còn lại, con sẽ lo hết, không dám phiền bố mẹ nữa”. Sau đó chồng còn hỏi về số tiền viện phí của vợ với dự định sẽ gửi trả lại bố mẹ số tiền đó!

Cứ mỗi lần thấy chồng có cách hành xử như vậy là những ấm ức của vợ lại trào dâng. Vợ thường cảm thấy vừa khó xử, vừa thương, thấy có lỗi với bố mẹ mình lại vừa bực, thất vọng về chồng. Chẳng biết tự bao giờ, trong mắt vợ, những thứ gọi là “tự tin, kiêu hãnh” ngày trước ở chồng dần trở thành thái quá, cố chấp...

Sau ca mổ 1 tuần, vợ được bác sĩ cho phép về nhà. Trước khi rời viện, vợ thấy thương, nhớ bố mẹ da diết. Vợ muốn 2 đứa sẽ về thẳng bên nhà chơi, báo tin để bố mẹ vui hoặc mời bố mẹ sang nhà mình chơi ít ngày. Trước khi thực hiện được điều đó, vợ nghĩ đã đến lúc mình cần gạt qua những ấm ức, phải góp ý thẳng thắn, chân thành cho chồng để chồng hiểu rằng: “Những gì anh nghĩ, anh làm từ trước đến nay về tiền bạc với bố mẹ em là chưa đúng lắm. Bởi, trong quan hệ gia đình mà luôn sống với nhau quá sòng phẳng, rạch ròi thì cũng sẽ có ngày mọi người không còn tìm thấy những gì gọi là tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia một cách ấm áp dành cho nhau nữa”.

Cư xử hài hòa về tiền bạc

- Là người cùng một nhà, không nên duy trì thái độ quá sòng phẳng, rành rẽ với nhau về tiền bạc.

- Không nhầm lẫn khái niệm “tự tin”, “kiêu hãnh”, “không phụ thuộc” với thói “tính toán”, “lạnh lùng”, “khách sáo”...

- Nếu người bạn đời có những cư xử chưa đúng về tiền bạc thì cần thẳng thắn góp ý.

- Các thành viên trong gia đình cho/nhận tiền bạc đúng lúc, đúng cách luôn là biểu hiện quan trọng của sự giúp đỡ, tình yêu thương, quan tâm và sẻ chia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm