pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội chùa Tây Phương - Di sản sống giữa lòng xứ Đoài

Tượng cổ ở chùa Tây Phương
Ghi danh "Hội chùa Tây Phương" vào danh mục di sản
Sáng 2/4 (tức mùng 5/3 Âm lịch), tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh "Hội chùa Tây Phương" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng chùa Tây Phương được công nhận Bảo vật quốc gia và chính thức khai hội chùa Tây Phương năm 2025.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng khẳng định: Việc Hội chùa Tây Phương được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu mốc quan trọng, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh sâu sắc của vùng đất giàu truyền thống xứ Đoài.

Lễ công bố Quyết định ghi danh "Hội chùa Tây Phương" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chùa Tây Phương - ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và hệ thống tượng Phật được xem là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam - từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh đặc biệt, không chỉ với người dân Thạch Thất mà còn với du khách và Phật tử khắp cả nước. Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Lan tỏa giá trị văn hóa - tâm linh xứ Đoài
Lễ hội chùa Tây Phương không chỉ là dịp sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, mà còn là không gian kết nối cộng đồng, nơi nhân dân thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc. Việc khai hội năm nay gắn với hoạt động kỷ niệm và vinh danh di sản đã tạo nên không khí trang trọng, thiêng liêng và đầy tự hào.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất - phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất nhấn mạnh, để gìn giữ và phát huy giá trị của lễ hội, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chùa Tây Phương; đồng thời đầu tư bảo tồn, tu bổ và quy hoạch các vùng phụ cận di tích một cách bài bản, hiệu quả.
Đặc biệt, trong thời gian tới, huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị ghi danh nghệ thuật múa rối nước Thạch Xá, Chàng Sơn và Bình Phú là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - tiếp tục lan tỏa kho tàng văn hóa phong phú của Thạch Thất đến với công chúng cả nước.
Sự kiện trọng đại tại chùa Tây Phương không chỉ là dịp tôn vinh giá trị di sản, mà còn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương trong mỗi người dân Thạch Thất. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi đến thế hệ trẻ về trách nhiệm giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc –- điều làm nên bản sắc Việt Nam giữa dòng chảy hiện đại.
Chùa Tây Phương, hay còn gọi là Sùng Phúc tự, được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) và trùng tu vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc độc đáo với ba nếp chùa nằm trên ba tầng cao dần, gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2015, Bộ tượng Phật chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Năm 2022, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của Thành phố.
Ngày 19/2/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 324 công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống chùa Tây Phương.