Hội chứng “bắt cóc trẻ em” và những người manh động

29/07/2017 - 13:53
Việc người dân cảnh giác với phòng chống tội phạm là điều hết sức hoan nghênh, thế nhưng cũng cần tỉnh táo hơn để tránh vi phạm pháp luật do quá nôn nóng, thiếu hiểu biết và manh động nên dễ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Chỉ khoảng gần 2 tháng trở lại đây, ở nhiều địa phương trên cả nước vô cùng “nóng” vì những thông tin, vụ việc liên quan đến “bắt cóc trẻ em”. Thế nhưng, sau những vụ việc ấy, những đối tượng bắt cóc trẻ em vẫn “chưa xuất hiện” thì số nạn nhân của cơn sốt “bắt cóc trẻ em” vẫn không ngày một tăng lên.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc, giải cứu thì nhiều người trong số họ vẫn chưa hết ám ảnh, đau đớn và vô cùng hoang mang khi bản thân mình bị hàng ngàn người quây quanh, nhiều người thiếu kiềm chế lao vào đánh đập không thương tiếc chỉ vì nghi ngờ mình là đối tượng bắt cóc trẻ em.

Việc người dân cảnh giác cao độ, chủ động trong công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm là điều hết sức hoan nghênh. Thế nhưng, cũng cần phải thận trọng và phải có sự phối hợp với cơ quan chức năng sở tại để xử lý các vụ việc nhằm tránh những hệ lụy, vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, nôn nóng. Và chắc có lẽ cũng không ai dám khẳng định những sự việc tương tự sẽ không xảy ra nữa.

Con đón taxi đi chơi, gia đình tưởng con bị bắt cóc

Chiều 27/7, trên mạng xã hội xôn xao vụ việc bắt cóc trẻ em ở địa bàn xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Theo đó, nhiều người đã vây bắt tài xế taxi vì cho rằng người này có hành vi bắt cóc trẻ em.

Tuy nhiên, sau khi vào cuộc điều tra Công an xã Minh Tân, huyện Kiến Xương cho biết, thông tin trên hoàn toàn không chính xác, vụ việc chỉ là sự hiểu nhầm.

Theo thông tin từ Công an xã Minh Tân, vào khoảng 15h30 ngày 27/7, ban công an xã nhận được thông tin từ phía quần chúng nhân dân báo cáo sự việc rất đông người dân tụ tập quây quanh một chiếc xe taxi chở 4 học sinh.

2_70021.jpgHàng trăm người vây quanh trụ sở xã Minh Tân vì nghi bắt được đối tượng "bắt cóc trẻ em" (ảnh facebook).

Theo lời kể của hai người đàn ông, một phụ nữ cùng bốn học sinh liên quan đến sự việc trên cho biết, vào chiều ngày 27/7, 4 học sinh Bùi Đ.T., Phạm Thị P.T., Đinh H.L. và Phạm T.D. (cùng học lớp 6 trường THCS Xuân Tân, cùng trú xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) rủ nhau sang tỉnh Thái Bình chơi mà không xin phép bố mẹ.

Nhóm học sinh này gọi tổng đài để đón taxi sang Thái Bình. Tài xế Lê Văn Vương (27 tuổi) lái taxi của hãng Nguyên Minh đã đến đón 4 học sinh này đi.

Khi chiếc xe chạy đến xã Minh Tân, huyện Kiến Xương thì bất ngờ có phụ huynh của một học sinh trong xe đuổi kịp và chặn đầu xe taxi, hô hoán có vụ bắt cóc trẻ em. Nghe tiếng hô hoán có bắt cóc, người dân ở gần đấy đã ùa ra giữ tất cả những người liên quan lại rồi báo lên công an xã.

Ngay sau khi nắm được thông tin lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt giải tán đám đông. Sau khi mời tất cả những người liên quan về xã trình bày sự việc rõ ràng, phụ huynh của các học sinh đã xin lỗi về sự nóng vội của mình. Phía phụ huynh cũng đã đứng ra bồi thường chiếc nhẫn cưới của tài xế taxi bị mất trong lúc giằng co.

Nghi ngờ là đánh

Có thể kể đến vụ việc tiếp theo mới xảy ra gần đây vào trưa ngày 22/7, dư luận cả nước cũng được một phen xôn xao về thông tin bắt được 2 người phụ nữ nghi là đối tượng bắt cóc trẻ em. Ngay sau đó, 2 nạn nhân này bị người dân quây đánh dẫn đến thương tích phải nhập viện điều trị.

Danh tính 2 người phụ nữ nói trên sau đó được xác định là Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở xã Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) và Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, ở Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội), là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Ngay sau đó, Công an huyện Sóc Sơn đã vào cuộc điều tra, giải cứu và có thông báo bác bỏ thông tin 2 phụ nữ này là đối tượng bắt cóc trẻ em và cho biết, họ là thành viên của Hợp tác xã tình thương đang trên đường đi bán tăm, bông để gây quỹ tình thương. Khi họ đang giới thiệu sản phẩm làng nghề ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) thì bị cả trăm người quây đánh.

an.jpg2 người phụ nữ rủ nhau đi bán tăm, bông cũng bị đánh bầm dập.

Khi 2 người đang đi bộ dọc đường làng tại thôn Thái Phù (Mai Đình, Sóc Sơn) thì bị người dân nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em nên đã vây bắt và đánh đập. Chỉ đến khi cơ quan công an đến giải cứu, thì 2 người này mới may mắn giữ được tính mạng.

Bà Bảy kể lại sự việc trong tâm trạng hoảng loạn: “Dù tôi van xin, giải thích hết mức nhưng họ không buôn tha tôi, họ đấm đá vào mặt tôi, rồi lấy cả cái ghế ở quán nước đập vào đầu tôi. Khi có công an đến, tôi cầu cứu bám vào công an, họ vẫn xông vào đánh tôi. Lúc đó tôi nghĩ mình chắc không về gặp lại 3 đứa con nữa rồi”.

Cho đến tận bây giờ, bà Bảy vẫn luôn miệng kêu oan ức và mong muốn các cơ quan chức năng minh oan cho mình. “Giờ em chẳng có mong muốn gì hơn là các bác minh oan cho em, không có em mang tiếng cả đời là bắt cóc trẻ con, thế thì em sống sao được”, bà Bảy nói.

Đập nát và đốt ô tô cũng chỉ vì nghi bắt cóc trẻ em

Sự việc tương tự cũng trong tháng 7/2017, đó là vào tối 20/7 tại xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương) có 2 nạn nhân khác cũng bị người dân quây đánh và đốt xe ô tô vì nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em. 

Tuy nhiên, sau đó Công an huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã có thông tin chính thức bác bỏ thông tin bắt cóc trẻ em. Theo cơ quan điều tra, khoảng 18 giờ tối cùng ngày, anh Trịnh Mạnh Hải (37 tuổi, quê Thái Nguyên), Giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng lái xe Lê Văn Nam (29 tuổi, ở Hà Nội) đi trên chiếc Fortuner về xã Tân Việt, huyện Thanh Hà.

20170721002926-chie-c-xe-bi-do-t.jpgNhiều người dân thiếu kiềm chế đã lật và đốt xe của Hải vì nghi bắt cóc trẻ em.

Lúc đi qua cửa hàng đồ gỗ của gia đình anh Phạm Đắc Bắc (33 tuổi, ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc), anh Hải vào hỏi mua đồ mộc. Khi vị khách đang nói chuyện với chị Quyên (vợ anh Bắc) thì người phụ nữ thấy chóng mặt.

Cho rằng mình bị thôi miên nên chị Quyên chạy ra ngoài hô hoán. Ngay sau đó, người dân địa phương tụ tập giữ và đòi hành hung 2 người đàn ông trên ôtô. Trong đám đông, một số người đã kích động người dân lật chiếc Fortuner rồi đập phá, đốt cháy xe…

Nỗi ám ảnh từ khi bị đám đông vây đánh

Hay một vụ việc khác xảy ra ở tỉnh Nghệ An, theo đó, vào ngày 24/6, trên mạng xã hội facebook lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông dí dao nhọn vào cổ người phụ nữ và tra khảo, rất đông người dân xung quanh tỏ thái độ giận dữ, chửi bới.

Qua tìm hiểu, đoạn clip được xác định là quay tại khu vực chợ giáp ranh giữa địa bàn 2 xã Nam Nghĩa và Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An) vào trưa cùng ngày.

aa.jpgNgười phụ nữ ám ảnh sau khi bị người đàn ông dí dao vào cổ.

Tuy nhiên, khi công an huyện Nam Đàn đã vào cuộc điều tra thì xác định chị này có biểu hiện không bình thường, có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Danh tính nạn nhân sau đó được xác định là Nguyễn Thị Hương (48 tuổi) quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã liên hệ với gia đình chị Hương để đưa nạn nhân trở về nơi cư trú.

Như vậy, với sự lan truyền chóng mặt của mạng xã hội và sự nhiễu loạn thông tin đã khiến nhiều vùng quê xảy ra hội chứng “bắt cóc trẻ em”. Chỉ cần thấy người lạ mặt có hành vi khác thường một chút, người dân đều có thể quy chụp cho họ đang có ý đồ bắt cóc trẻ em. Và ngay lập tức, các nạn nhân đen đủi sẽ phải hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết nếu không thể chạy thoát hoặc được cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.

Cảnh giác với tội phạm là tốt, nhưng người dân cũng cần phải tỉnh táo để phân biệt đúng sai. Hoặc tốt nhất, lúc người lạ nào đó có hành vi đáng ngờ thì nên giữ lại và báo cho công an để họ xác minh làm rõ. Đừng chỉ vì những sự kích động nhất thời mà có hành vi đánh đập, đốt phá tài sản của người khác, vì như vậy bạn sẽ phải đối mặt với sự xử lý của pháp luật, thậm chí có thể phải trả giá cho sự bồng bột của mình sau song sắt.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết: “Pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm, bắt cóc,... Tuy nhiên, việc đánh đập, hành hạ, gậy thương tích cho người phạm tội là không được phép. Thậm chí trong trường hợp chưa xác định rõ đó có phải là người bắt cóc trẻ con hay không, chỉ là nghe thông tin từ người xung quanh mà đã đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho người khác... những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

Luật sư Hùng nêu quan điểm: “Khi thấy các tình huống trên, người chứng kiến phải bình tĩnh để tìm hiểu sự thật cụ thể, rõ ràng, qua đó mới hành động, tránh các hành động vi phạm pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc phòng vệ chính đáng quá sớm. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền để người dân không bị các thông tin trên mạng xã hội gây nhiễu”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm