"Hội chứng nhút nhát" ở trẻ

An Khê
11/06/2020 - 19:38
"Hội chứng nhút nhát" ở trẻ
Xã hội càng hiện đại càng có nhiều trẻ trở nên nhút nhát. Điều đó nghe có vẻ ngược đời, nhưng thực tế, nhiều phụ huynh cho biết con cái họ mắc “hội chứng nhút nhát” với biểu hiện ngại giao tiếp, ăn nói lí nhí, đi đứng rụt rè, khi ra ngoài xã hội, nơi có người lạ thì sợ sệt và mất tự tin.

Không ít phụ huynh lo lắng cho sự nhút nhát, về lâu dài có thể tước đi nhiều cơ hội trong cuộc sống của trẻ. Trẻ rụt rè có nguy cơ trở thành những người lớn nhút nhát nếu không được khắc phục sớm.

Bố mẹ phải làm gì để giúp trẻ điều chỉnh và vượt qua tính nhút nhát?

Theo Th.S công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh - giảng viên Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam - TW Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay, không ít trẻ em có biểu hiện nhút nhát quá mức khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nhiều trẻ rất nghịch ngợm, hiếu động khi ở nhà, nhưng ra ngoài gặp người lạ hoặc có khách tới nhà thì rụt rè, không dám nói gì, không dám làm gì, thậm chí sẽ òa khóc nếu bị yêu cầu tham gia hay làm gì đó.

"Hội chứng nhút nhát" ở trẻ - Ảnh 1.

Trẻ rụt rè có nguy cơ trở thành những người lớn nhút nhát nếu không được khắc phục sớm

Giai đoạn khi trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và chưa đi học, lúc này trẻ mới chỉ quen với môi trường gia đình, trong đó mọi người đều quan tâm chăm sóc và yêu thương trẻ, nên trẻ cảm thấy tự tin trong môi trường đó và rụt rè với người lạ bên ngoài là điều bình thường.

Ngoài 3 tuổi trẻ bắt đầu đi học, bình thường trẻ sẽ có nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa và dạn dĩ hơn. Nhưng nếu lúc này trẻ vẫn có biểu hiện nhút nhát và kéo dài sau đó, không có sự tiến bộ thì việc này sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, bị hạn chế các cơ hội học hỏi, rèn luyện kỹ năng và ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ. 

Trẻ nhút nhát thường có một số biểu hiện đặc trưng như:

- Trẻ không tham gia các hoạt động tập thể với các bạn, tự cô lập ở bên ngoài và chỉ quan sát mặc dù trong lòng rất muốn tham gia.

- Trẻ không nói chuyện, không trả lời những câu hỏi của người lớn cho dù câu hỏi đó rất đơn giản, rõ ràng và dễ trả lời. 

- Trẻ tự ti và ngại giao tiếp nên rất ít bạn bè. 

- Trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt mà thường chỉ gật đầu, lắc đầu hoặc nói đứt quãng, không rõ nghĩa khi bày tỏ điều gì đó. 

- Trẻ ngại vận động nơi công cộng và không thể hiện lòng nhiệt tình, hiếu kỳ với xung quanh. Trẻ thường là đối tượng dễ bị bắt nạt khi đi học, về lâu dài có thể trẻ sợ/ngại đi học và ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập.

- Trẻ có thể rất sợ bóng tối, sợ ở một mình và tỏ ra căng thẳng quá mức với những tình huống kịch tính (trên phim ảnh, trong các cuộc thi, trò chơi…). 

Để giúp trẻ bớt nhút nhát, tự tin và dạn dĩ hơn trong giao tiếp, sinh hoạt thì bố mẹ có thể tham khảo một số cách làm sau:

Thừa nhận cảm xúc, nỗi lo lắng, sợ hãi của trẻ và thể hiện sự thấu hiểu với trẻ. Không được mắng mỏ, cáu gắt với trẻ khi trẻ tỏ ra nhút nhát, sợ sệt vì như vậy sẽ khiến trẻ càng tăng thêm cảm giác tiêu cực gấp đôi vì chính cảm xúc và thái độ của cha mẹ đem lại. Thay vào đó cha mẹ sẽ động viên để con thấy cha mẹ luôn ở bên, sẵn sàng bên con và từng bước giúp con ổn định lại tâm lý, tự tin hơn trước những tình huống, hoàn cảnh mới.

- Không ép con phải giao tiếp, chào hỏi, tham gia hoạt động khi con chưa thoải mái, chưa sẵn sàng. Cha mẹ hãy để cho con có thời gian quan sát và nếu con nhận thấy mọi thứ ổn, con có vẻ đã bớt ngại ngùng, lo lắng, cha mẹ có thể động viên con tham gia hoặc tiếp cận chút một.  - Dạy con cách kết bạn bằng cách cho con tham gia các buổi gặp gỡ bạn bè, những nhóm bạn nhỏ thân thiện cởi mở. Có thể mời các bạn đến nhà chơi với trẻ, thậm chí có thể là trẻ nhỏ tuổi hơn để con thấy tự tin, chủ động giao tiếp. Chỉ cho con, hướng cho con biết quan tâm và biết giúp đỡ mọi người. Khi con biết quan tâm và được giúp đỡ người khác con sẽ có cảm giác tự tin và chủ động hơn.

"Hội chứng nhút nhát" ở trẻ - Ảnh 2.

Cha mẹ nên động viên để con thấy cha mẹ luôn ở bên, sẵn sàng bên con và từng bước giúp con ổn định lại tâm lý, tự tin hơn trước những tình huống, hoàn cảnh mới

- Luôn gần gũi, chia sẻ với con và khuyển khích con nói về cảm xúc, suy nghĩ của con. Cha mẹ cần tìm hiểu điều gì khiến con lo lắng, sợ hãi hay e ngại trong giao tiếp với mọi người. Có thể vì con tự ti về mình, sợ mình không làm được, hoặc làm sai sẽ bị chê cười…Lúc đó cha mẹ nên chỉ ra cho trẻ thấy con hoàn toàn có thể tự hào về những điểm mạnh mà con đang có. Ví dụ: con cười rất đẹp, nụ cười đó sẽ khiến mọi người yêu quý con nên con hãy cười nhiều, nói chuyện nhiều với mọi người. Hay con rất thông minh, con hát rất hay, múa rất đẹp, chơi đồ chơi xếp hình rất sáng tạo… con nên mạnh dạn chia sẻ và chơi với các bạn để mọi người thấy và yêu quý con…

- Trẻ cần được dạy các kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý cảm xúc, giúp trẻ nhận thức về bản thân và những giá trị… kỹ năng là nền tảng để trẻ tự tin và chủ động trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

- Không bao giờ lấy các hình tượng (ông ba bị, ông ù, ngáo ộp…) ra dọa trẻ khiến trẻ luôn có cảm giác phải kinh hãi vì một nhân vật nào đó luôn ẩn hiện đâu đó xung quanh trẻ. 

- Và cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất, đó là cha mẹ hãy làm gương cho trẻ. Trẻ học hỏi thông qua sự quan sát chính những người đang chăm sóc gần gũi trẻ hàng ngày là cha mẹ. Do vậy cha mẹ cần cho trẻ thấy sự tự tin, chủ động, sự quan tâm và hòa nhã trong giao tiếp của cha mẹ với mọi người trong xã hội như thế nào để trẻ học tập - Ths Nguyễn Hiền Minh nhận định.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm