Hội hè lễ Tết của người Việt

19/12/2017 - 22:09
Cuốn sách này sẽ cho ta trở lại đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu…, cho ta hình dung rõ ràng và như được tham dự Lễ hội Phù Đổng.

Những ngày cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức tọa đàm Hội hè lễ nghi ở Việt Nam nhân dịp tái bản cuốn sách Hội hè lễ tết của người Việt (tác giả Nguyễn Văn Huyên).

Hội hè lễ tết của người Việt tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí, tham vọng tìm hiểu Việt Nam một cách kỹ càng. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.

hoi-he-le-tet-nguoi-viet.jpg

Cuốn sách sẽ cho ta trở lại đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán... ở Việt Nam


 Cuốn sách sẽ cho ta trở lại đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu…, cho ta hình dung rõ ràng và như được tham dự Lễ hội Phù Đổng. Những điều đặc biệt khác, như tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử, sự phong nhiêu của thần tiên gốc Việt…, cũng sẽ được tác giả mô tả, phân tích hết sức sinh động, tinh tế và khoa học.

Luôn lắng nghe và suy tư về cỗi gốc dân tộc mình, nên những trang viết của Nguyễn Văn Huyên, sau hơn bảy mươi năm, vẫn có thể mời gọi mọi độc giả Việt hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình đối thoại, thông hiểu lẫn nhau.  

Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1926, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp học tập, năm 1927 đỗ tú tài, năm 1928 đỗ cử nhân văn chương, ba năm sau, 1931, lại đỗ thêm một bằng cử nhân luật. Năm 1934 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne. Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam và luận án phụ, Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á của ông được đánh giá là xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp. Năm 1935, ông quyết định về nước làm việc, lúc đầu dạy Sử-Địa ở trường Bưởi, rồi sau đó, từ tháng Tám năm 1938, ông được Toàn quyền Đông Dương điều sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), trở thành “thành viên khoa học” ngang hàng với các học giả người Pháp ở viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học này. Cũng từ năm 1938, ông bắt đầu tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia Giáo dục. Tháng Mười một năm 1946 ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất (19/10/1975). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tên tuổi và sự nghiệp Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người có những đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Thời gian diễn ra toạ đàm: 18h00 ngày 21 tháng Mười hai năm 2017

Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm