Hội thảo đã thu hút gần 100 cán bộ hội phụ nữ các cấp tham gia.Tại đây, các đại biểu tham dự dã cùng nhau trao đổi về thuận lợi, khó khăn, lắng nghe chia sẻ về các vấn đề giám sát như công tác cán bộ nữ, việc triển khai bảo hiểm y tế, giám sát các nhóm trẻ tư thục, vấn đề về an toàn thực phẩm… Về hình thức giám sát, các đoàn giám sát không chỉ dừng lại ở việc xem xét báo cáo mà trực tiếp giám sát, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến bằng phiếu hoặc tổ chức phỏng vấn sâu. Các cấp hội còn mạnh dạn tổ chức đóng góp ý kiến cho người đứng đầu, tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại và tiếp xúc cử tri theo giới. Qua đó, nhiều vấn đề hội viên phụ nữ quan tâm đã được nhắn gửi đến lãnh đạo, chính quyền địa phương, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong hội viên phụ nữ.
Thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc đăng ký các nội dung giám sát. Việc tổ chức giám sát xã hội cũng từng bước bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, chất lượng. Nội dung giám sát được đăng ký với cấp ủy từ cuối năm trước, tập trung các quy định có liên quan đến hội viên, phụ nữ, như: Chính sách thai sản đối với phụ nữ nông thôn và nhà trẻ khu vực nông thôn; chính sách cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ tỉnh; việc thực hiện chế độ cho lao động nữ trong thời gian thai sản và nuôi con nhỏ…
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương còn cho biết thêm: Hội LHPN cấp huyện, xã còn tham gia thực hiên giám sát theo định hướng của Hội LHPN tỉnh và cấp ủy cùng cấp. Nội dung tập trung vào các chủ trương như: Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của huyện giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch hành động Ban vì sự tiến bộ phụ nữ thị xã giai đoạn 2016 – 2020… Hội LHPN các cấp đã tổ chức giám sát thông qua việc thành lập đoàn, trong đó cấp tỉnh thực hiện 7 nội dung và 10 đơn vị được giám sát trực tiếp.