pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN Ia Chim, Kon Tum: Tích cực xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới
Thế hệ trẻ đồng bào DTTS ở Ia Chim góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc mình
Là xã vùng ven, nằm ở phía Tây, cách trung tâm TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, khoảng 13 km, toàn xã Ia Chim có 11 thôn làng, trong đó có 2 thôn Kinh và 9 thôn dân tộc thiểu số (DTTS) với 2.597 hộ, 10.756 nhân khẩu. Hơn 70% dân số là người DTTS, chủ yếu là người Gia Rai. Để tìm hiểu sâu hơn về công tác Hội, phong trào phụ nữ cũng như các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em DTTS địa phương, Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với chị Hiêng Thị Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Chim.
PV: Xin chị cho biết một số hoạt động nổi bật của phong trào phụ nữ và công tác Hội LHPN xã Ia Chim trong thời gian qua?
Chị Hiêng Thị Tuyết: Trong những năm qua, Hội LHPN xã luôn bám sát Nghị quyết của Đảng ủy xã và chương trình công tác của Hội cấp trên, bằng sự đổi mới trong phong cách làm việc. Hội LHPN xã đã xây dựng chương trình công tác năm, kế hoạch chi tiết phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện hàng tháng, tiến độ thời gian thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm. Đồng thời hướng dẫn các chi hội ký giao ước thi đua, mặt khác chủ động đăng ký với Hội cấp trên các chỉ tiêu thi đua, đặc biệt là các chuyên đề chuyên sâu.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chi hội thực hiện các phong trào. Song song đó, Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự phối hợp của UBND, UBMTTQ và các ngành đoàn thể trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Với các hình thức linh hoạt và phong phú, Hội LHPN xã và các chi hội đã bám sát các phong trào thi đua và 3 nhiệm vụ công tác trọng tâm, cụ thể hóa thành những hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã tiếp tục đổi mới các hoạt động; tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong cán bộ, hội viên. Các nhiệm vụ Hội gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã. Qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực góp phần xây dựng Hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của chị em được nâng lên rõ rệt.
PV: Bên cạnh những kết quả đáng mừng, ở Ia Chim vẫn còn tồn tại một số hủ tục và các vấn đề xã hội, chị có thể nói rõ hơn về những tồn tại này?
Chị Hiêng Thị Tuyết: Vấn đề nhức nhối hiện nay là nạn tảo hôn ở trẻ vị thành niên. Do nhiều nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu của người DTTS đã tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của nhiều người dân từ bao đời nay; xuất phát từ những khó khăn của cuộc sống con gái phải lấy chồng, sinh con đẻ cái để có thêm lao động, có thêm người đi làm nương rẫy... Nguyên nhân chủ quan là do trình độ dân trí và nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Tỉ lệ trẻ em gái bỏ học một phần là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, không khuyến khích con em mình đến trường mà để con em mình ở nhà phụ giúp việc nhà. Vì thế dẫn đến tình trạng họ không thích học và bỏ học.
PV: Phụ nữ và trẻ em gái luôn là những người chịu nhiều tổn thương và tác động nặng nề do hủ tục. Hội LHPN Ia Chim đã có những hành động thiết thực nào để tuyên truyền và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em giảm thiểu những nguy cơ và ảnh hưởng của những hủ tục?
Chị Hiêng Thị Tuyết: Để giảm thiểu những nguy cơ và ảnh hưởng của những hủ tục đối với sự phát triển của người dân nói cung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, Hội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân gia đình đối người dân ở 9 thôn đồng bào DTTS.
Song song, Hội phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai sâu rộng các hoạt động phù hợp với các yếu tố về văn hoá, dân tộc, lứa tuổi, giới tính để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, xóa bỏ dần dần các phong tục và hủ tục lạc hậu như: Tuyên truyền trên hệ thống loa, sinh hoạt chi hội, chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần; Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện lễ hội văn hoá; phát huy vai trò của người uy tín, già làng trong cộng đồng; Nêu gương người tốt, việc tốt, tích cực trong việc thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình; Đẩy mạnh công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; Phối hợp triển khai tư vấn và hỗ trợ pháp lý, khám sức khoẻ tiền hôn nhân cho người trẻ trong độ tuổi kết hôn…
Với chức năng của mình, Hội LHPN xã cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương đưa các nội dung như: quy định độ tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định… vào hương ước, quy ước của thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hóa.
PV: Mỗi DTTS mang một bản sắc văn hóa riêng, là địa bàn với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Hội LHPN xã Ia Chim đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn như thế nào?
Chị Hiêng Thị Tuyết: Xác định các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là DTTS số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa được tổ chức hội tích cực triển khai. Dưới sự hỗ trợ của Đảng uỷ, chính quyền địa phương đến nay, Hội đã thành lập Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm với 24 thành viên tham gia.
Bằng các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biểu diễn văn nghệ, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chi hội, các hội viên Hội LHPN còn tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, phục vụ công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; khuyến khích thế hệ trẻ tại địa phương tiếp thu bản sắc văn hóa dân tộc mình; phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy như dạy học tiếng Giarai, hát dân ca, dân vũ... cho thế hệ trẻ trong cộng đồng các DTTS. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: Theo chị, chúng ta cần phải làm gì để phụ nữ DTTS được phát huy bản thân, phát triển và hội nhập?
Chị Hiêng Thị Tuyết: Bản chất của người DTTS rất tự ti, mặc cảm nên trong việc giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội, phụ nữ còn gặp nhiều rào cản. Để phụ nữ DTTS phát triển và hội nhập, rất cần sự tạo điều kiện của gia đình, xã hội trong việc động viên, khích lệ chị em tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao năng lực phát huy nội lực bản thân. Để phụ nữ DTTS thực sự tiến bộ, tham gia hội nhập, cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện, tạo cơ hội của các cấp, các ngành để cho bản thân họ được học hỏi, mạnh dạn tham gia tiếp cận các chính sách có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ DTTS cần phải luôn cố gắng, không ngừng phấn đấu, học hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu hiện nay với phương châm "Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Kon Tum thời đại mới" có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
PV: Cảm ơn chị với cuộc trò chuyện nhiều thông tin hữu ích về phong trào và công tác Hội của xã Ia Chim!