pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN tỉnh Hòa Bình chung tay phòng, chống bạo lực giới
Hoạt động tư vấn, trợ giúp Pháp lý tại cơ sở được Hội LHPN tỉnh Hòa Bình thực hiện
Mang hạnh phúc đến từng mái ấm
Bước vào độ tuổi trung niên, chị Thanh (xóm Minh Thành, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) không giấu được nỗi buồn khi nhắc lại những chuyện đã qua. Chị nhớ về những lần chồng chửi mắng, lăng mạ xúc phạm chị bằng lời lẽ nặng nề. Thậm chí còn đánh đập, đe dọa đến tính mạng của chị. Bất chợt chị kéo áo của mình lên lên để lộ những vết sẹo dài trên cánh tay và bên trong người chị. Đó là vết tích sau những trận đòn của người chồng đã gây ra cho chị. Những vết sẹo dài khiến ai nhìn thấy cũng nặng trĩu lòng và nghĩ về nhiều về cuộc đời của một người phụ nữ mà đáng lẽ họ phải được yêu thương, trân trọng.
Nhưng hiện tại, chị đã không còn phải chịu đựng những ngày tháng phải sống trong sự bạo lực về thể xác cùng như tâm hồn từ việc chồng đánh, chồng mắng. Giờ đây khi nhắc lại mắt chị vẫn ngấn lệ, nước mắt chảy dài trên gò má kèm theo những tiếng nấc nghẹn ngào, chị khóc, nhưng rồi chị lại nhoẻn miệng cười khi kể về chuyện của hôm nay. Chị kể: Bây giờ ông ấy còn nấu cơm rửa bát cho chị mỗi khi chị có việc phải đi ra ngoài mà chưa về kịp nữa cơ.
Cuộc sống thay đổi từ khi chị Thanh tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ tại cơ sở. Ở đó, có các cán bộ phụ nữ trong chi hội nhiệt tình hỗ trợ chị trong cuộc sống gia đình và phát triển kinh tế. Đặc biệt, chị chi Hội trưởng còn là thành viên tổ hòa giải của xóm, là người trực tiếp tham gia các hoạt động của Hội LHPN tỉnh đã tổ chức trong năm qua, được tiếp cận kiến thức, kỹ năng và phương pháp hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Mỗi khi nhà ai có việc gì, chị chi hội trưởng không ngại khó khăn vất và gặp từng người trong gia đình để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất, giúp các gia đình hòa thuận, yên ấm hơn.
Các hoạt động phòng chống bạo lực giới
Là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trong những năm qua Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, chung tay cùng với các cấp, các ngành và toàn xã hội đẩy lùi, hướng tới xóa bỏ vấn nạn bạo lực gia đình trên địa bàn. Nổi bật trong đó là hoạt động về "Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hoà Bình trong phòng chống bạo lực giới".
Trong hơn 1 năm thực hiện hoạt động, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hàng chục hoạt động truyền thông tới 2.952 người tại các vùng, khu vực có nguy cơ và đã có các vụ việc về bạo lực gia đình, giúp họ có cơ hội tiếp cận với các thông điệp, kiến thức về pháp luật, chính sách liên quan đến công tác gia đình và vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em thông qua những tiểu phẩm hài, câu hỏi tình huống được đưa ra trong suốt các chương trình.
Các cấp hội cũng tư vấn cho 995 người về các điều luật liên quan đến Bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi con người;
Cuộc thi viết với chủ đề "Chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái" được phát động trên địa bàn toàn tỉnh và đã nhận được 1.138 bài thi với các hình thức như bài viết, vẽ tranh, thơ ca, truyện ngắn với nội dung về chia sẻ kiến thức, ý tưởng, giải pháp phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống xâm hại trẻ em.
Hội LHPN tỉnh biên soạn 1.000 sổ tay tuyên truyền và 5.000 tờ rơi về phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em phát đến tận tay các chị chi Hội trưởng Hội Phụ nữ các cấp; đào tạo được trên 140 cán bộ Hội và các ngành liên quan về kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực giới. Đây sẽ là những tuyên truyền viên, những cán bộ nòng cốt trong hoạt động phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở.
Kết thúc một năm thực hiện hoạt động về "Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hoà Bình trong phòng chống bạo lực giới" của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tại các cơ sở, kết quả rõ nét nhất là sự thay đổi về trình độ, kiến thức và kỹ năng của mỗi người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực giới. Họ không còn là những người nhút nhát, "đứng im để chịu đòn" nữa, mà họ đã dám mạnh dạn đứng lên để "chống trả". Họ sử dụng chính những gì họ đã tiếp thu được để thay đổi bản thân, cùng gia đình và người dân địa phương hướng tới cuộc sống hạnh phúc, bình yên hơn, tránh xa bạo lực gia đình.