Hội LHPN Việt Nam khảo sát, đánh giá 5 năm thực hiện giám sát, phản biện xã hội

04/08/2018 - 19:00
Đoàn khảo sát đánh giá 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của TƯ Hội LHPN Việt Nam vừa có buổi làm việc với Hội LHPN Thành phố Hà Nội về những nội dung trên.

Thực hiện Kế hoạch số 332 và 359/KH - ĐCT của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam về tổ chức khảo sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 217 - QĐ/TW, Quyết định số 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; việc thực hiện Chương trình hành động số 06 của Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam, vừa qua TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá để làm việc với một số cấp hội địa phương như Hội LHPN Thành phố Hà Nội, Gia Lai, Hòa Bình và TPHCM.

Ngày 3/8, đoàn khảo sát, đánh giá do Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa làm Trưởng đoàn đã làm việc với Hội LHPN Thành phố Hà Nội và Hội LHPN huyện Gia Lâm (Hà Nội). Tham gia đoàn công tác có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam.

Sáng 3/8, đoàn khảo sát đã làm việc với Hội LHPN huyện Gia Lâm. Tham dự buổi làm việc, ngoài lãnh đạo đoàn công tác, lãnh đạo Thành hội, Huyện hội Gia Lâm còn có lãnh đạo Huyện ủy, UBND Gia Lâm, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ huyện Gia Lâm.

hoi-1.jpg
Bà Bùi Thị Hòa (giữa), Phó Chủ tịch Hội LHPNVN - Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá - phát biểu tại buổi làm việc với Hội LHPN huyện Gia Lâm (Hà Nội)

Phát biểu mở đầu, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217 - QĐ/TW và Quyết định 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về giam sát, phản biện xã hội, Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Vì thế, mục đích của việc khảo sát, đánh giá lần này là nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Hội LHPN Việt Nam trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, ngoài lãnh đạo Hội LHPN huyện Gia Lâm còn có đại diện Hội LHPN các xã, thị trấn trong huyện.

Bà Nguyễn Thị Hương Trà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, cho biết, sau 5 năm thực hiện, Huyện hội đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư cho gần 600 lượt cán bộ, hội viên từ huyện đến cơ sở. Phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức xây dựng, phát sóng 2 buổi/tuần chuyên mục “Phụ nữ Gia Lâm đảm đang, thanh lịch”.

tra.jpg
Bà Nguyễn Thị Hương Trà (giữa), Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm (Hà Nội), báo cáo kết quả 5 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội
 

Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN huyện Gia Lâm chủ trì thực hiện 7 nội dung giám sát đối với 18 UBND xã, thị trấn. Những nội dung giám sát rất cụ thể, gắn liền với quyền lợi của nhân dân như: Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ; Giám sát việc thực hiện phòng chống bạo lực gia đình; Giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 16 tuổi; Giám sát việc thực hiện các quy định về kiều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố… Từ những kết quả giám sát cụ thể đó, Hội LHPN huyện đã có những đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương trong lĩnh vực thực hiện giám sát.

Công tác phản biện xã hội của Hội LHPN huyện Gia Lâm cũng có nhiều kết quả như tổ chức được 5 hội nghị phản biện, đóng góp 53 ý kiến vào 9 dự thảo chương trình, đề án…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, lưu ý công tác giám sát, phản biện xã hội ở các cấp Hội địa phương như: Trong số những nội dung góp ý với Đảng và chính quyền thì nhân dân quan tâm đến vấn đề nào nhất? Phương pháp góp ý nào có hiệu quả nhất? “Báo cáo nêu nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội. Góp ý với phản biện xã hội là khác nhau, trong báo cáo chúng ta đề cập nhiều đến góp ý là chính mà chưa nói nhiều về phản biện xã hội. Vì sao lại như vậy?”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các cấp hội cơ sở đã có những chia sẻ cụ thể trong công tác giám sát, phản biện.

Đại diện Hội LHPN xã Phú Thị và xã Ninh Hiệp đều cho rằng, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ TƯ Hội LHPN Việt Nam và lãnh đạo Hội cấp trên, đặc biệt là sau khi Hội LHPN huyện ra văn bản hướng dẫn quy trình giám sát, từ văn bản này mới mạnh dạn xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát. Đại diện Hội LHPN xã Ninh Hiệp đề xuất cung cấp thêm nhiều tài liệu dạng cẩm nang để cán bộ Hội cơ sở căn cứ vào đó hoạt động.

Đại diện Hội LHPN xã Phú Thị mong muốn trong thời gian tới sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng giám sát, phản biện cho cán bộ Hội cơ sở, để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, phải có sự chỉ đạo, đồng hành, các tổ chức cùng vào cuộc

* Buổi chiều cùng ngày, đoàn khảo sát của TƯ Hội LHPN Việt Nam do bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, dẫn đầu đã làm việc với Hội LHPN Thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc này có bà Nguyễn Thu Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hà Nội, cùng đại diện các tổ chức chính trị, xã hội của thành phố.

Đoàn khảo sát đã nghe báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 - QĐ/TW và kết quả thực hiện chương trình hành động số 06/CTHD - BCH của Hội LHPN Thành phố Hà Nội.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác và các đại biểu đã nghe những chia sẻ, góp ý từ đại diện các cấp Hội của quận, huyện ở Hà Nội về những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm thực tiễn.

ha-noi.jpg
Buổi làm việc giữa đoàn khảo sát, đánh giá của TƯ Hội LHPN Việt Nam với Hội LHPN Thành phố Hà Nội
 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, Trưởng đoàn khảo sát Bùi Thị Hòa cho rằng, để thực hiện tốt phải có những điều kiện cần như: Có cơ chế đầy đủ để Hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện, đó là cụ thể văn bản của Đảng, Hiến pháp… quy định về giám sát, phản biện. Sự phối hợp có chương trình, kế hoạch thống nhất trong Mặt trận và các đoàn thể. Chọn vấn đề để giám sát, ngoài nội dung chỉ đạo của Trung ương, địa phương cần giám sát theo “đặt hàng” của cấp ủy sao cho phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương đó.

Ngoài điều kiện cần thì phải có điều kiện đủ, đó chính là vai trò chủ động, tích cực của cán bộ, hội viên. Đội ngũ cán bộ cần có kiến thức, trình độ, bản lĩnh, kiên trì và theo đuổi đến cùng. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện tốt từ cấp cơ sở.

Để công tác giám sát, phản biện trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho rằng, thời gian tới cần xem xét việc nào tốt, cá nhân nào tốt thì nhân rộng. Khi làm, cần chú ý tính thực chất, hiệu quả chứ không chạy theo hình thức, cần làm tốt hơn nữa khâu tuyên truyền, cập nhật văn bản mới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm