Hội LHPNVN cần thúc đẩy hoạt động xây dựng và phản biện chính sách

24/04/2019 - 19:42
Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị với Đảng Đoàn Hội LHPNVN.
truong-thi-mai.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo. Ảnh H. Hòa

 

Chiều 24/4, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị đã làm việc với Đảng Đoàn Hội LHPNVN. 

Thay mặt Đảng Đoàn Hội LHPN Việt Nam báo cáo tại cuộc làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động, qua 10 năm đã thay đổi căn bản trong nội dung và phương thức hoạt động. Việc làm này đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong thời gian tới, việc chăm lo, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ yếu thế của Hội sẽ có những thay đổi từ hỗ trợ trực tiếp sang vai trò kết nối hỗ trợ, phát huy nội lực của các đối tượng phụ nữ; đẩy mạnh vai trò đại diện của Hội LHPN Việt Nam trong đề xuất, xây dựng, phản biện chính sách cho phụ nữ từ cấp trung ương và địa phương; tiếp tục giảm tình trạng hành chính hóa trong các hoạt động Hội…

truong-thi-mai1.jpg
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại cuộc làm việc.  Ảnh H. Hòa

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, trăn trở và những giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội thời gian qua. Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều sáng tạo, hiệu quả và tiếp cận phụ nữ tốt hơn...

Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng đánh giá cao Hội LHPNVN trong việc lựa chọn chủ đề năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với các hoạt động vận động, tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ trong các vụ việc cụ thể góp phần thúc đẩy thay đổi nhận thức của cộng đồng vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em.

Theo bà Trương Thị Mai, mong muốn của mỗi phụ nữ rất cụ thể như: Nhu cầu về sự bình đẳng cơ hội trong học tập, có nguồn thu nhập, việc làm ổn định; một gia đình hạnh phúc; nhu cầu được đóng góp cho sự phát triển, có vị trí trong gia đình, xã hội… Vì vậy, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, có những đánh giá và nhận diện nhu cầu, mong muốn của phụ nữ để có phương thức hoạt động phù hợp hơn. Bên cạnh đó, vai trò đại diện của Hội LHPN Việt Nam cần phải thực chất hơn nữa; thúc đẩy hoạt động đề xuất, xây dựng và phản biện các chính sách hỗ trợ có điều kiện cho các nhóm phụ nữ yếu thế, bởi mỗi chính sách vĩ mô sẽ tác động tới hàng chục triệu phụ nữ...

ket-luan-62-3.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị. Ảnh H. Hòa

 

Tại hội nghị, các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng các đại biểu đã thảo luận, tập trung vào những nội dung như: Giải pháp khắc phục những hạn chế về biểu hiện hành chính hóa trong hoạt động; vấn đề về sự phối hợp giữa MTTQVN và các tổ chức Chính trị - xã hội; thúc đẩy phát triển tổ chức Hội; giải pháp tăng cường tiếng nói đại diện của Hội với quyền phụ nữ…

 

Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam xác định đổi mới phương thức hoạt động theo hướng:

-Xác định nội dung hoạt động trọng tâm, ưu tiên, phân cấp mạnh mẽ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của từng cấp Hội.

-Đẩy mạnh phối hợp với chính quyền, các ngành; phát huy vai trò kết nối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao sức mạnh và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.

-Tuyên truyền, vận động và tổ chức để phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương thông qua việc xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình được Chính phủ/UBND phê duyệt, khai thác thế mạnh của phương thức hoạt động theo cơ chế “đặt hàng” – Chính phủ/UBND giao việc kèm theo kinh phí thực hiện cho Hội.

-Đẩy mạnh vận động nguồn lực trong nước và quốc tế cho các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm