pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội mới nhảy việc, không có thưởng Tết chi tiêu thế nào?
Thưởng Tết ít, không có tháng lương 13
Tết đang đến rất gần, việc chuẩn bị tài chính để đón Tết hẳn là nỗi lo của rất nhiều người. Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội), cho biết, do nhảy việc 2 lần trong năm, nên năm nay không nhận được lương tháng 13. Tiền tiêu Tết năm nay chỉ tiêu trong lương tháng và trích thêm 1 chút tiền tiết kiệm.
"Trong năm nay, mình đã chuyển việc 2 lần. Tổng số tiền mình tích lũy được trong năm nay khoảng hơn 1 cây vàng. Nhưng năm nay không có thưởng Tết tháng 13, chỉ nhận được 1 chút tiền thưởng cuối năm, do thời gian làm việc mới được khoảng 6 tháng. Tết năm nay, mình dự định trích tiền tiết kiệm để tiêu Tết. Những khoản chi cho Tết cũng hạn chế hơn, không tiêu phung phí".
Cũng đón Tết trong tâm thái bất an, vì dự đoán lương thưởng cuối năm nay cũng không "đáng mong chờ", Lâm Minh (25 tuổi, Hưng Yên) cảm thấy có chút tiếc nuối do không tính đến việc nhận thưởng cuối năm:
“Quả thực năm nay khi nhảy việc, mình cũng chưa nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Tận đến 2 tháng cuối năm này, mình mới nhận được thông báo về chuyện lương thưởng cuối năm. Thế là tiền tiêu Tết năm nay của mình chỉ gói gọi vào mức lương của tháng 12, cộng thêm tiền thưởng nóng nếu làm tốt. Đang yên đang lành tự dưng lại Tết. Sau 1 năm làm việc quần quật, nào là chuyện công việc, gia đình cũng đã đủ áp lực. Giờ lại cộng thêm cả chuyện tiền để tiêu Tết nữa, với mình áp lực lại nhân đôi!" - Minh cảm thán.
Bàn về chuyện tiền tiêu Tết năm nay, Hồng Hạnh (22 tuổi, Nghệ An, Tư vấn viên công ty bảo hiểm) với mức lương gần 10 triệu, cũng không nhận được thưởng tháng 13. Hạnh mới ra trường, nên việc thưởng Tết không nhiều cũng nằm trong dự tính của cô bạn. “Mình nhận được thông báo không có thưởng Tết tháng lương thứ 13. Tính ra, cả tiền lương và tiền hoa hồng cuối năm này, cũng chỉ hơn 10 triệu một chút".
Không có thưởng Tết, chi tiêu thế nào cho hợp lý?
Với Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội), cô nàng không chỉ tính toán chuyện tiêu Tết năm nay, mà còn tính luôn cả chuyện tài chính cho năm tới. Mới đi làm được gần 1 năm, cô bạn đã tích lũy cho mình được 1 cây vàng. Linh có quan điểm trong chuyện tiêu Tết thế này: "Chỉ cần tiêu những thứ thật cần thiết, không rườm rà, không phô trương là được!". Hơn nữa, Linh nhấn mạnh, việc không có thưởng Tết nhắc nhở bản thân phải tiêu có giới hạn, chỉ tiêu đúng số tiền mình có:
"Mình thường chia thu nhập thành 2 khoản là chi tiêu và tiết kiệm hàng tháng. Khi duy trì được thu nhập, mình luôn đặt mục tiêu tiết kiệm nhiều nhất có thể. Để những dịp như lễ Tết, mình có sẵn tiền để tiêu mà không cần lo toan quá nhiều!
Tết này, mình dự định dành hẳn 1 tháng lương cuối năm để biếu bố mẹ. Tiền chi tiêu để mua sắm cho bản thân mình sẽ hạn chế nhất có thể. Phần vì không có thưởng Tết, phần nữa là do mình không muốn tiêu phạm vào tiền tiết kiệm quá nhiều. Dự trù ngân sách một cách cụ thể như thế, mình cũng ước lượng được số tiền cần tiêu cho Tết. Điều quan trọng nhất, là biết mình muốn gì, và chi tiêu đúng với số tiền mình có!" - Khánh Linh chia sẻ.
Với khoản lương cuối năm hơn 10 triệu một chút, Hồng Hạnh cũng có kế hoạch tiêu Tết khá chặt chẽ: "Tiền kiếm được ít lại càng phải chi tiêu đúng mực, và có kế hoạch cụ thể. Năm nay, lần đầu tiên mình được sắm Tết bằng tiền bản thân kiếm được. Vậy nên, mình cũng đã tính toán xem mua gì, tiêu gì để chỉ gói gọn trong tiền lương đó thôi.
Để không tiêu hết số tiền này, mình nhắc nhở bản thân phải hạn chế hơn trong việc mua sắm. Nhất là những món đồ như quần áo, giày dép, mỹ phẩm. Ngoài ra, mình cũng đã để sẵn số tiền mua vé xe về nhà và tiền tiêu trong 3 ngày Tết ra một tài khoản riêng. Số tiền này cũng là từ tiết kiệm trong năm mà có.
Trước Tết 2 tháng, mình đã bắt đầu nghĩ về Tết: Làm cách nào để năm nay tiền lương thưởng cuối năm được cao nhất? Câu trả lời đó là cố gắng chăm chỉ, nhận được mức lương cứng tối đa, và hoa hồng nhiều nhất có thể. Thêm vào đó, mình cũng trích thêm tiền tiết kiệm để bù trừ thêm phần nào đó cho chi tiêu trong dịp lễ Tết".
Không nhận được thưởng Tết tháng 13, Lâm Minh (25 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Để có một cái Tết gói gọn trong khoản tiền lương, mình cũng đã lên một kế hoạch nhỏ để không tiêu phạm số tiền này. Trước hết, mình vạch ra những khoản quan trọng nhất phải chi tiêu như: Biếu bố mẹ chút tiền, tiền mua quà bánh Tết, vé xe về quê, tiền mừng tuổi những người thân thiết. Cả năm chẳng dành dụm được bao nhiêu khiến mình thêm nặng gánh. Nhưng ông bà ta có câu "khéo co thì ấm", nên để tránh tình trạng nợ nần sau Tết, mình cũng luôn nhắc nhở bản thân phải chi tiêu sáng suốt trong những ngày này.
Mình không dành quá nhiều tiền để sắm sửa cho bản thân, vì mình thấy thực sự không cần thiết. Chi phí dành cho những cuộc vui chơi cũng thu hẹp lại, nếu không hầu bao sẽ xẹp xuống rất nhanh. Dù Tết là để sum họp, để tụ tập vui chơi, nhưng cũng phụ thuộc vào khả năng tài chính nữa. Bớt chơi một chút thì bớt áp lực cho bản thân.
Và mình luôn nghĩ đến một tương lai tốt hơn, cố gắng đón Tết trong vui vẻ, gạt bớt đi phần lo toan nhờ những tính toán từ trước. Liệt kê ra được những khoản cần chi tiêu giúp mình có một con số cụ thể, rồi cứ thế thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo không chệch hướng là cũng ổn rồi”.