Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia

Thu Hà
10/08/2022 - 21:28
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Chiều 10/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Hội nghị lần này là dịp để cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đưa ra ý kiến, từ đó tiếp thu, chọn lọc để bổ sung vào báo cáo quy hoạch. Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tin về nội dung này sẽ được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống.

Xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đáp ứng yêu cầu hoạch định phát triển đất nước  - Ảnh 1.

Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Văn Đức

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. "Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước", ông Đỗ Văn Chiến khẳng định. 

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 2.

(Từ trái sang) Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Đức

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, phức tạp; là cơ sở để triển khai các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương; đưa ra những định hướng mới cho cho đất nước, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần đạt được mục tiêu, khát vọng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Theo đó, định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia là một trong các nội dung thuộc Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch ngành cấp quốc gia. Vì vậy, nội dung của định hướng phát triển ngành hạ tầng cấp quốc gia trong quy hoạch tổng thể chỉ nên dừng ở mức độ xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cần có để phục vụ việc phát triển kinh tế hiệu quả, tiết kiệm, không nên trình bày quá chi tiết vào việc đầu tư các công trình cụ thể. 

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Đức

Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, cần nối thực trạng dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua với việc phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành - vùng để có những nhận xét sâu hơn, thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cần có sự khái quát cao hơn về xu thế dịch chuyển cấu trúc kinh tế vùng. 

Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh sự suy giảm tỷ trọng cơ cấu và xu thế tương đối “tụt hậu phát triển” của vùng Đông Nam Bộ là vấn đề đáng được quan tâm làm rõ hơn ở tầm quốc gia, khi mà tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10 năm qua của vùng này đạt thấp (chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng công nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Hồng, chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước), từ đó sẽ có thêm cơ sở để làm rõ hơn các đánh giá, nhận định và nguyên nhân ở tầm quy hoạch chiến lược.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm