Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Vai trò đặc biệt của Việt Nam

13/02/2019 - 17:25
Việt Nam có vai trò rất quan trọng và vị thế cũng được nâng cao khi được chọn là địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp tới, báo chí quốc tế nhận xét.
Kiến tạo hòa bình
 
Mới đây, tờ Diplomat (Nhật Bản) đăng tải bài viết với tiêu đề “Tại sao Việt Nam nên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2”. Bài viết nhận định, nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 được tổ chức thành công tại Việt Nam, quốc gia này sẽ gặt hái được những lợi ích đáng kể trong quan hệ song phương và đa phương.
 
Xét về quan hệ song phương, thiện chí của Việt Nam sẵn sàng tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy sẽ góp phần hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như tăng cường tình hữu nghị với Triều Tiên.
 
Bài viết nhấn mạnh, xét về quan hệ đa phương, kể từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã duy trì nguyên tắc “sẽ trở thành một người bạn và đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, tích cực tham gia vào các quá trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Kết quả là Việt Nam đã nỗ lực nâng cao vai trò của nước này thông qua tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, hay vận động hành lang để trở thành một thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
ha-joon-chang.jpg
GS Ha-joon Chang, giảng viên Khoa Kinh tế Trường ĐH Cambridge (Vương quốc Anh): "Việt Nam là mô hình đáng tham khảo nhất của Triều Tiên". Ảnh: Vĩnh Sưởng.
Tích cực tham gia các vấn đề quốc tế sẽ giúp Việt Nam kêu gọi sự chú ý của các đối tác một cách dễ dàng hơn, nhằm giải quyết những mối quan ngại chẳng hạn như vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam khẳng định vị thế chủ động của mình.
 
Một lợi thế khác đó là hình ảnh của Việt Nam sẽ được sự quảng bá của nhiều phương tiện truyền thông lớn trên thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam trong năm mới 2019 khi quốc gia này đang đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng có cơ hội để chia sẻ với lãnh đạo Triều Tiên về những bài học kinh nghiệm nhằm gặt hái thành công về kinh tế và ngoại giao nhờ chính sách mở cửa.
 
‘Hình mẫu lý tưởng’
 
Trong khi đó, tờ Japan Times (Nhật Bản) bình luận, Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp này. Trước hết, đây là quốc gia tương đối gần với Triều Tiên về mặt địa lý, do vậy nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đến Việt Nam mà không cần quá cảnh ở một nước khác, hoặc gặp khó khăn khi phải di chuyển suốt quãng đường dài.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên, có bộ máy an ninh hoạt động rất hiệu quả, luôn được các nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao. Quốc gia này cũng dày dặn kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó phải kể đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại Đà Nẵng và Diễn đàn kinh tế thế giới tại Hà Nội năm 2018.
 
Japan Times dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam là một hình mẫu cả về chính trị và kinh tế mà Triều Tiên nên theo đuổi – điều này phần nào cũng đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận. Vào giữa những năm 1980, Việt Nam đã thực hiện chương trình cải cách kinh tế toàn diện, được biết đến với tên gọi chính sách “đổi mới” và sớm chuyển mình thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á.
 
‘Việt Nam là mô hình đáng tham khảo nhất của Triều Tiên’
 
Trước đó, trao đổi với PV PNVN bên lề Hội nghị Kinh tế học mở rộng diễn ra tại Hà Nội, GS Ha-joon Chang, giảng viên Khoa Kinh tế Trường ĐH Cambridge (Vương quốc Anh) nhận xét, Việt Nam chính là mô hình đáng tham khảo nhất của Triều Tiên khi quốc gia này đang muốn chuyển đổi.
GS Ha-joon Chang nhận xét: “Chúng ta đều biết về trải nghiệm trong giai đoạn Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu thì giải pháp chuyển đổi quá mạnh là không có kết quả và rất tốn kém. Do vậy, tôi nghĩ những nước đi theo con đường cải cách từng bước. Tôi không nghĩ đây là vấn đề lựa chọn bởi bất kỳ ai nghĩ rằng Triều Tiên có thể chuyển đổi mạnh sang một nền kinh tế thị trường ngay lập tức thì họ chẳng hiểu gì cả”.
 
“Mỗi người mỗi khác và mỗi nước đều có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, ví dụ gần gũi nhất mà Bắc Hàn có thể tham khảo thực ra là Việt Nam. Hay nói đúng hơn, Việt Nam là mô hình đáng tham khảo nhất của Triều Tiên”, GS Ha-joon Chang nhận định.
 
Trên thực tế, sau nhiều năm tự cách ly và bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới việc phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cho tới năm nay, đặc biệt thời gian gần đây, dư luận quốc tế đã chứng kiến nhiều động thái của Triều Tiên cho thấy nước này mong muốn mở cửa kinh tế với bên ngoài. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã nhiều lần phát biểu về những kỳ vọng hướng tới công cuộc cải cách kinh tế của Triều Tiên và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ những trường hợp điển hình trong khu vực.
 
Quan sát những gì các hãng thông tấn quốc tế đưa tin, nhận định, có thể thấy Việt Nam được đánh giá là quốc gia có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy thành công của tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều. Bắt đầu từ việc giới chức cấp cao Triều Tiên, đặc biệt là nhà lãnh đạo Kim Jong Un, từng nhiều lần nhắc tới Việt Nam như một mô hình tiêu biểu về khả năng hóa giải những bất đồng trong quan hệ bang giao, mở đường cho gỡ bỏ trừng phạt và cải cách, mở cửa kinh tế.
 
Trong khi đó, phía giới chức Mỹ cũng cho rằng, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có thể là một mô hình kiểu mẫu đối với Triều Tiên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm