pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội thu nhập 20 triệu tranh luận: “Đi làm có nên chọn công việc lương cao nhưng áp lực?”
Ảnh minh họa
Từ sau 20 tuổi là thời điểm người trẻ bắt đầu xây dựng cho mình sự nghiệp cá nhân. Trong giai đoạn này, áp lực công việc là điều khó tránh dù bạn đứng ở cương vị nhân viên hay sếp.
Với những người trẻ đi làm, ngoài chuyện lương thưởng, đồng nghiệp, môi trường công sở… thì một trong những điều băn khoăn là nên nỗ lực thăng tiến cho công việc, từ đó nhận được lương cao nhưng đổi lại áp lực lớn hay không?
Thà làm việc nặng lương cao còn hơn việc nhàn lương thấp
Đó là quan điểm đã gắn bó với Quang Minh (SN 1998, Content Marketing, Hà Nội) từ những ngày đầu còn làm thực tập sinh. Bên cạnh công việc văn phòng, chàng trai còn nhận nhiều job freelancer bên ngoài như thiết kế, photographer nghiệp dư và quản lý nền tảng mạng xã hội. Trung bình mỗi ngày Quang Minh dành 9 - 10 tiếng cho công việc. Những ngày bận rộn anh sẽ làm liên tục từ 8h - 12h đêm mới hoàn thành hết deadline theo kế hoạch.
Quang Minh chia sẻ hoàn toàn có thể chọn đi làm nhẹ nhàng, bằng cách ngừng nhận công việc freelancer. Tuy nhiên, đổi lại là tổng thu nhập giảm đi và đó là điều chàng trai không muốn.
“Mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Mình có áp lực không, có chứ. Nhưng thu nhập của mình ổn hơn so với bạn bè đồng trang lứa và đó là điều làm mình tự hào về bản thân. Có bạn chỉ hoàn thành hết giờ hành chính rồi đi về và họ hoàn toàn thoải mái với điều đó, còn mình thì không. Mình là kiểu người nếu kiếm được một thì sẽ muốn kiếm 10, kiếm được 10 lại nghĩ cách kiếm đến 100”.
Quang Minh tính, công việc văn phòng đem lại cho anh khoảng 20 triệu đồng. Công việc tay trái thường chỉ làm vào buổi tối nhưng có thể đem đến tiền lương tương xứng hoặc thậm chí gấp đôi. Hiện tại anh chàng đang tìm hiểu thêm cách thức đầu tư vào các quỹ hoặc kinh doanh nhỏ lẻ để đa dạng thu nhập.
“Mục tiêu của mình là mua được nhà trong 3-4 năm tới, đồng thời tích góp tiền và kinh nghiệm để tự bản thân điều hành công việc kinh doanh, như mở quán cafe hay buôn bán gì đó. Bản thân mình có nhiều nhu cầu như tự mua nhà và có xe. Ngoài ra, mình cũng muốn lo đầy đủ cho người thân và gia đình trong tương lai.
Cách đây khoảng 1 năm, mình đến thăm một người bác đi khám ở bệnh viện tư. Nhìn thấy người bác được hưởng cơ sở vật chất và điều kiện khám bệnh tốt, mình suy nghĩ rằng nếu bố mẹ bị bệnh, bản thân có cho họ được vào những bệnh viện tốt thế này không? Rồi nếu lỡ một ngày bị thất nghiệp thì tài khoản còn bao nhiêu tiền? Mình là dạng người overthinking nên càng tạo động lực và cả áp lực để bản thân cố gắng tiến lên".
Dù nhiều khi thấy áp lực trong công việc, song Quang Minh vẫn cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bởi anh cho rằng đây là nền tảng quan trọng để người trẻ càng tiến xa. Mỗi ngày chàng trai đều dành 1-2 tiếng để tập thể dục, chăm chỉ nấu nướng tại nhà thay vì gọi đồ ăn nhanh. Bên cạnh đó, Quang Minh cũng cố gắng để có thời gian nghỉ ngơi và đi chơi vào cuối tuần.
“Cách đây vài tháng, mình không bao giờ đi ngủ được trước 2h sáng, giấc ngủ không sâu, thậm chí chỉ cần nghe thông báo tin nhắn của nhóm công việc cũng có thể tỉnh dậy. Chưa kể, mình còn bị thừa cân, da mặt nổi mụn trông rất kinh. Đó là hệ quả của việc làm quá nhiều mà không biết chăm chút cho cuộc sống cá nhân. Cũng vì thế, mình đã đẩy nhanh tốc độ làm việc để dành thời gian tập thể dục, nấu nướng tại gia.
Một tips bạn có thể tham khảo là dù có nhiều deadline đến đâu, sau 5 rưỡi nên đi về và nghỉ ngơi. Bạn có thể tiếp tục làm việc sau 8 giờ tối. Bởi sau 5h là não mình hoạt động rất chậm. Ví dụ một công việc bình thường bạn cần 30 phút để làm xong thì ở quãng thời gian này, mình có thể mất đến 1 tiếng”, chàng trai nói.
Chọn công việc có tiền lương tương xứng với áp lực
Trong khi đó Kiều Anh (SN 1998, TP.HCM) cho rằng tiền lương cao thì ai cũng thích. Nhưng với công việc biết bản thân không gánh vác được thì tốt nhất nên “tự lượng sức mình”.
Kiều Anh chia sẻ: “Áp lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống, nên trừ khi quá cần tiền thì không nên ép bản thân. Lương rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Sau nhiều năm đi làm, mình thấy công việc mang lại môi trường tốt, sếp tâm lý cũng quan trọng không kém".
Hiện Kiều Anh đang làm việc cho một tập đoàn quốc tế ở quận 10 với tổng lương 19 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cô sẽ nhận thêm tiền lương vào cuối quý nếu hoàn thành KPI đề ra.
Cô đánh giá công việc hiện tại có nhiều điểm cộng. “Công việc khá nhàn và dễ thở, không có áp lực, không cần chạy deadline, chỉ cần thành task được giao. Sau đó thời gian rảnh có thể làm gì tùy thích.
Công ty cho phép work from home bất cứ lúc nào. Ngày mình làm 8 tiếng sau đó tắt máy nghỉ. Đồng nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới, sếp trực tiếp sống tại Việt Nam thì rất giỏi và giúp đỡ, đồng thời anh cũng là mentor có tâm.
Nhìn chung, công việc ổn, không quá khó và không phải giao tiếp nhiều. Phúc lợi như bao công ty đa quốc gia khác. Một điều mình thích nữa là nhận lương luôn sớm hơn nhưng không bao giờ trễ lương", cô nàng chia sẻ.
Tuy nhiên Kiều Anh từng nung nấu ý định ý nghỉ việc bởi nhiều nguyên do. Thứ nhất, công việc chưa có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Thứ hai, khối lượng công việc này khá ít nên cô đã đề xuất với cấp trên giao thêm thêm việc nhưng không nhận được phản hồi. Điều này khiến cô thấy hoang mang, cảm nhận năng lực không được trân trọng và không còn gì để học hỏi.
Sau một thời gian đi phỏng vấn, cô nhận được lời mời làm việc ở công ty khác với mức lương cao hơn, đổi lại công việc mới có thể tạo áp lực và nặng hơn nhiều. Tuy nhiên, sau những lần trao đổi với sếp, Kiều Anh đã chọn ở lại công ty.
“Mình đã nhắn tin xin sếp nghỉ việc. Sau đó, mình cũng bày tỏ những lo lắng và suy nghĩ của bản thân khi được hỏi tại sao nghỉ vì sếp biết mình là người thích ổn định chứ không bay nhảy.
Và anh đã phân tích mặt lợi và hại khi nhảy việc ở thời điểm này, đồng thời anh sẽ điều chỉnh lại khối lượng công việc cho mình và hướng dẫn mình làm những công việc nâng cao hơn. Cộng với một vài lý do phụ khác nên mình đã quyết định ở lại làm tiếp. Hiện tại mình vẫn khá rảnh rỗi nhưng thay vì overthinking, mình lấy thời gian đó để học thêm chứng chỉ bằng cấp để nâng cao kiến thức, phòng trường hợp không may mất việc thì vẫn yên tâm tìm được công việc khác.
Nhìn chung, lý do quan trọng để mình tiếp tục ở lại công ty là không thích áp lực. Mình muốn làm đủ 8 tiếng rồi tắt máy, có work life balance và công ty đáp ứng tốt yêu cầu này của mình”.
Tạm kết
Mỗi người đều có một đích đến riêng cho cuộc sống, vì thế lựa chọn đường đi có thể khác nhau. Có người thấy thoải mái khi lao đầu vào công việc, chấp nhận mang áp lực để đạt được thứ mình muốn. Nhưng cũng có người đi chậm lại, thậm chí lùi xuống phía sau để cân bằng cuộc sống. Khi đó, họ chấp nhận sự nghiệp có thể không còn nhiều thăng tiến, thu nhập giảm xuống.
Sau cùng, ai cũng nên hiểu năng lực và sức chịu đựng của bản thân, từ đó có lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên lời khuyên là dù chọn hướng đi nào thì cũng nên quan tâm đến cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như có tài chính ổn định để phòng ngừa rủi ro.