Hội viên giúp tôi hiểu hơn về... công tác Hội

02/08/2016 - 10:04
Vào một đợt tuyển dụng công chức của tỉnh tôi đã nộp hồ sơ thi tuyển vào Hội LHPN tỉnh Quảng Trị mà cũng chưa thực sự có một khái niệm cụ thể về nghề công tác Hội.
 Truyền thông biến đổi khí hậu tại xã Hải Phúc, huyện Đakrông

Ngày đầu tiên nhận việc, tôi lo lắng không biết môi trường làm việc mới như thế nào và mình có làm được việc hay không. Nhưng được sự chỉ bảo tận tình của các chị đi trước tôi dần tiếp cận được với công việc. Song với tôi lúc ấy hiểu biết về công tác Hội vẫn còn chung chung và cũng chưa thực sự rõ ràng.

Vào dịp 8.3 năm 2013 tôi được phân công đi dự sinh hoạt ở cơ sở với đoàn của Tỉnh Hội - tại thôn RaLy, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa - một xã miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Lần đầu tiên đi cơ sở, tôi không khỏi lo lắng bởi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân còn quá ít ỏi so với yêu cầu của công tác Hội cộng với chặng đường dài gần 200 cây số, đồi núi quanh co, hiểm trở, trời tháng 3 nắng như đổ lửa. Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong tôi: liệu các chị có dễ dàng tiếp xúc với người lần đầu gặp mặt như tôi, liệu tôi có đáp ứng được kỳ vọng mà các chị đặt ra...

 Tặng quà các cháu trường Mầm non xã A Xing huyện Hướng Hóa

Vừa đặt chân đến thôn RaLy tôi thấy chị em đã có mặt đầy đủ. Mọi người niềm nở, vui vẻ đón chào làm chúng tôi quên đi bao nỗi mệt nhọc. Là một địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, giao thông đi lại khó khăn nhưng chị em đã không quản đường xa, băng đèo lội suối đi dự sinh hoạt đông đủ, có chị còn gùi theo con nhỏ.
Vào giờ sinh hoạt, ngay cả các cháu nhỏ cũng im lặng lắng nghe. Ngoài những văn bản mà chị chi hội trưởng tuyên truyền, phổ biến, còn có nhưng trao đổi chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống, việc làm. Không mang tư tưởng mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc như tôi vẫn hình dung về chị em vùng cao, ngược lại các chị rất tự tin, mạnh dạn phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, lao động sản xuất. Tôi đặc biệt ấn tượng với chị Hồ Thị Rương, một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng gương mặt toát lên sự nghị lực, kiên cường. Từ hai bàn tay trắng, bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó lại được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn KHKT của Hội cấp trên tổ chức nên gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang và có vốn tích lũy gửi ngân hàng. Chị còn chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của mình cho các chị em nghèo, cho mượn tiền không lấy lãi trên 15 triệu đồng... Từ đó, một số chị trong chi hội cũng đã vươn lên thoát nghèo nhờ một phần sự giúp đỡ, sẻ chia của chị. Chính các chị giúp tôi hiểu hơn thực tế cuộc sống và giúp tôi tự tin hòa đồng hơn trong chính cuộc nói chuyện ở cơ sở.

Ngẫm lại tôi thấy mình thật may mắn và tự hứa với bản thân phải tận tâm, tận lực, tận tình hơn nữa trong công việc để xứng đáng là một người cán bộ Hội. Hoàng hôn buông xuống, chúng tôi bịn rịn chia tay chị em thôn RaLy. Hình ảnh của các chị em vùng cao chân thật, mộc mạc, đầy tình người cứ mãi vương vấn  trong tôi.

Mới đấy mà đã gần 5 năm tôi về công tác tại Hội LHPN tỉnh và cũng là từng ấy thời gian tôi thấu hiểu những khó khăn và vinh quang của nghề công tác Hội. Nhưng kỷ niệm về chuyến đi cơ sở đầu tiên ấy luôn để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Đó cũng là khoảng thời gian đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của bản thân tôi, bởi nó khiến tôi thêm yêu nghề công tác Hội, giúp tôi trưởng thành hơn về mọi mặt. Tôi nghiệm ra một điều rằng: dù ở đâu, làm gì bản thân mình - nhất là những cán bộ trẻ cần phải có sự nỗ lực hết mình, có trách nhiệm với công việc, chịu khó nghiên cứu học hỏi, trau dồi kiến thức, làm việc tận tâm, tận lực, tận tình thì sẽ nhận được thành công và tình cảm của mọi người xung quanh một cách vững chắc nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm