Các tổ chức Liên hợp quốc ngày 3/12 đã lên án hàng loạt vụ xâm hại tình dục đối với phụ nữ và bé gái trên tuyến đường đi Bentiu, một thị trấn ở phía Bắc đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề tại Nam Sudan.
Theo các cơ quan Liên hợp quốc này, những kẻ tấn công là những người đàn ông có vũ trang, trong đó có nhiều người mặc quân phục.
Các cơ quan Liên hợp quốc lên án những hành vi tấn công "ghê tởm" này, kêu gọi giới chức Nam Sudan đảm bảo việc đưa các thủ phạm ra ánh sáng.
Trước đó, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (MSF) cho biết, 125 phụ nữ và bé gái đã bị cưỡng bức khi các nạn nhân đang đi tới các trung tâm phân phối thực phẩm khẩn cấp của Liên hợp quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 2.300 trường hợp bị tấn công được thông báo và đa số các trường hợp này là nhằm vào phụ nữ và bé gái.
Tuy nhiên, 3 cơ quan Liên hợp quốc nêu trên cho rằng số trường hợp bị hãm hiếp trên thực tế có thể cao hơn do tình trạng bạo lực như vậy hầu như không được thông báo.
Hồi tháng trước, một ủy ban chuyên gia của Liên hợp quốc đã gửi một báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thông báo về "mức báo động" của tình trạng tấn công tình dục và vi phạm nhân quyền tại Nam Sudan. Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan vào ngày 18/12 tới.
Trong khi đó, báo cáo của Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) cho biết, ngoài việc bị xâm hại tình dục, các nạn nhân cũng bị cướp và đánh đập.
Trước tình hình này, UNMISS đã tiến hành họp khẩn cấp với chính quyền sở tại và kêu gọi giới chức nước này hành động ngay lập tức để bảo vệ phụ nữ và các bé gái, đồng thời buộc những kẻ gây ra tội ác trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Người đứng đầu UNMISS, ông David Shearer, lên án những vụ tấn công và kêu gọi cần phải chấm dứt những hành vi như vậy.
Theo ông, các vụ tấn công xảy ra ngay trong khu vực do chính quyền kiểm soát, do vậy chính quyền phải chịu trách nhiệm trước tiên đối với sự an toàn của người dân.
Hiện UNMISS đã cử lực lượng đi tuần tra trong khu vực trên, đồng thời cử một nhóm Bảo vệ nhân quyền tiến hành điều tra nhằm xác minh danh tính thủ phạm của các vụ tấn công.
Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới mới được thành lập 7 năm qua, vẫn chìm trong bất ổn và xung đột khiến hàng triệu người mất nhà cửa phải đi tha hương.
Cuộc nội chiến ở Nam Sudan từ cuối năm 2013 đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất ở châu Phi.