pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 1.600 phụ nữ Bình Thuận tự tin tham gia viết ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
Chị Lê Nguyện, tác giả ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp “Chế biến rượu thanh long”, đạt giải nhất cấp TƯ năm 2018.
Vừa qua, Đoàn công tác của TƯ Hội LHPN Việt Nam đã có chuyến khảo sát và tổ chức tọa đàm tại tỉnh Bình Thuận để đánh giá kết quả đạt được và hạn chế trong việc triển khai đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".
Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh
Đoàn đã đến thăm HTX Thanh Long Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc của chị Lê Nguyện, tác giả ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp "Chế biến rượu thanh long", đạt giải nhất cấp TƯ năm 2018. Với khoản kinh phí hỗ trợ từ cuộc thi là 100 triệu đồng, chị Lê Nguyện đã hiện thực hóa ý tưởng chế biến rượu thanh long và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Sản phẩm đã được tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài nước, với sản lượng tiêu thụ tăng dần.
Hiện nay, ngoài sản phẩm rượu, HTX còn sản xuất thêm sản phẩm thanh long sấy. Các sản phẩm của HTX đều có quá trình vận hành sản xuất với công nghệ hiện đại, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng gắn với yếu tố bảo vệ môi trường, được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, được thị trường và người tiêu dùng tín nhiệm cao.
Quá trình hoạt động của HTX có lợi nhuận tốt, đảm bảo giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định. HTX đang tiến hành các thủ tục mở rộng cơ sở sản xuất và ứng dụng công nghệ cao hơn để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng và mở rộng, kết nối tiêu thụ ra thị trường các nước trong khu vực.
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm tại tỉnh Bình Thuận để đánh giá kết quả thực hiện đề án 939.
Tại chương trình tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những hoạt động phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp/kinh doanh cho phụ nữ; hoạt động tập huấn hướng dẫn xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ứng dụng công nghệ cao khi thực hiện sản xuất, chế biến sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo sức khỏe gắn với bảo vệ môi trường; tham gia quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số khởi nghiệp/kinh doanh qua trực tuyến, tham gia sàn giao dịch điện tử…
Kết quả, qua 4 năm triển khai đề án, tại tỉnh đã có 1.604 phụ nữ tự tin tham gia viết ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh với các chủ đề nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, chế biến...
"Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" tại tỉnh được tổ chức 03 lần, với 41 ý tưởng tham gia trình bày, 35 ý tưởng được trao giải, kết nối với các chương trình/dự án, hỗ trợ 42,190 tỷ đồng cho 639 ý tưởng khởi nghiệp… Qua đó, Hội LHPN các cấp hỗ trợ vốn, kiến thức, kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp các chị hiện thực hóa ý tưởng của mình. Đồng thời phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh và ngành chức năng tổ chức đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, tập huấn kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, quản lý tài chính hộ gia đình, đào tạo nghề theo nhu cầu, tư vấn, giới thiệu việc làm.
Tại tỉnh Bình Thuận, đề án 939 được coi như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa đối với phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, tạo cơ hội để phụ nữ được nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo/quản lý các THT/HTX, làm chủ doanh nghiệp; khẳng định được vai trò, vị trí của phụ nữ trong tham gia quyền quyết định kinh tế trong gia đình và ngoài xã hội.