pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 2.000 năm qua, Nhật Bản vẫn còn 1 công việc dành riêng cho chị em phụ nữ
Vì đặc thù, một số hạng mục công việc thường gắn liền với câu chuyện giới tính. Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta thường thấy phụ nữ được “đóng đinh” cho những công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi sự khéo léo cũng như tính tỉ mỉ như lễ tân, văn thư, thư ký hoặc các công việc dịch vụ khác. Ở bên kia “chiến tuyến”, nam giới lại được gán cho những công việc đòi hỏi sự mạnh mẽ như phi công, thợ điện, thợ mộc, thợ xây, công nhân khai thác khoáng sản,…
Tuy nhiên, không vì thế mà phụ nữ không thể làm tốt những công việc của nam giới và ngược lại, không thiếu những người đàn ông có thể đảm đương tốt những công việc thuộc sở trường của phái yếu. Đơn cử, tại Nhật, có một hạng mục công việc không hề nhẹ nhàng mà trái lại yêu cầu một nền tảng thể lực dồi dào, khoẻ mạnh nhưng chỉ dành riêng cho nữ giới, đó chính là…
Nữ thợ lặn
Tại một đảo quốc như Nhật Bản, ngư nghiệp truyền thống từng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở tại một số vùng, ngư nghiệp lại không gắn liền với hình ảnh cao to, đen bóng, vạm vỡ, chắc lẳn của những chàng trai lực lưỡng mặn chát mùi muối, đều đặn tháng năm bám biển đánh cá. Thay vào đó là đội ngũ chị em gắn liền với vai trò thợ lặn.
Cụ thể, những Ama-chan sẽ lặn biển để bắt hải sản. Không phân biệt đông lạnh hay hè nóng nực, những Ama-chan này đều đặn, cần mẫn, lặn xuống độ sâu trung bình khoảng 5m cố gắng bắt được càng nhiều hải sản càng tốt, rồi sau đó quay trở lại bờ. Hành động này được lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày.
Công việc được xem là gian nan và vất vả như thế này nhưng vẫn không ít phụ nữ dấn thân. Lý do đến từ những nguyên nhân sau:
Đặc thù tính cách hai giới
Những tưởng, người mang trong mình tính cách hiếu chiến như đàn ông phù hợp với công việc này hơn. Tuy nhiên, sự mềm mỏng và suy tính cẩn trọng của phụ nữ lại khiến cho những chuyến lặn có tính an toàn cao hơn. Mỗi lần một ít, góp gió thành bão, công việc sẽ được đảm bảo về tính lâu dài.
Phân chia công việc
Đối với những làng chài ven biển, đàn ông thường phải ra khơi, bám biển một thời gian dài. Cho nên, những người phụ nữ ở nhà cũng có thể tranh thủ để lặn biển, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Dần dà, truyền thống bồi đắp thành nghề nghiệp nhiều đời truyền giữ. Cái tên Ama cũng xuất phát từ thực tế này.
Cấu trúc cơ thể
Đối với nam giới, khi tăng cân, mỡ sẽ tích tụ nơi nội tạng. Còn đối với nữ, mỡ sẽ tích tụ bên dưới lớp biểu bì. Vì lẽ đó, khi mùa đông đến, lớp mỡ dưới da sẽ trở thành lớp lá chắn, bảo vệ cơ thể cực kỳ tốt. Đó là lý do, giữa trời đông giá rét, nhiều Ama vẫn lặn biển đều đặn mà chẳng có dấu hiệu mệt mỏi, suy yếu.
Trải qua 2000 năm lịch sử của đất nước Mặt trời mọc, nghề nữ thợ lặn vẫn được nhiều đời truyền nối như một truyền thống đặc sắc, không thể mai một.