pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 50 gia đình nữ học viên nghèo nhận cứu trợ khẩn cấp do đại dịch Covid-19
54 gia đình học viên nghèo, phần lớn là các học viên nữ của chương trình cộng đồng "L'Oréal - Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch trên 20 tỉnh/thành trong cả nước đã nhận được gói cứu trợ này, trong đó có các gia đình dân tộc miền núi.
Phần lớn các học viên tham gia học nghề tóc tại Trung tâm đào tạo của "L'Oréal đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, được tào tạo miễn phí nhằm tạo sinh kế bền vững cho các học viên sau này. Nhận thấy nhiều học viên sẽ rất khó khăn trong những ngày tạm nghỉ học, thực hiện giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19, một cuộc khảo sát nhanh các trường hợp khó khăn trong ngành tóc đã được L'Oréal tiến hành.
Theo đó, 54 thợ tóc là học viên của chương trình cộng đồng có hoàn cảnh cần hỗ trợ khẩn cấp. Ngay lập tức, đội ngũ nhân viên công ty đã kêu gọi gây quỹ, trong 72 giờ, số tiền gây quỹ từ nhân viên đã được công ty đối ứng tương xứng để nhanh chóng chuyển đến các gia đình khó khăn tại 20 tỉnh/thành, trong đó có các gia đình thuộc khu vực miền núi ở Yên Bái, Nghệ An, Lạng Sơn, Thanh Hóa… để giúp đỡ các bạn được qua khó khăn trong thời điểm này; tiếp tục theo đuổi nghề tóc sau khi dịch chấm dứt để cuộc sống ổn định và tương lai bền vững hơn.
Chị Chu Thị Thìn, học viên tại Hà Nội, chia sẻ: "Khi nhận được số tiền này, em liền đi mua sữa cho 2 con và đi bốc thuốc, đắp lá để điều trị rạn xương quai xanh". Trước đó gần 1 tháng, chị Thìn bị tai nạn xe máy, tình trạng sức khỏe trở nên nặng hơn vì không có tiền để mua thuốc. Việc Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội 3 tuần khiến mọi thứ càng trở nên khó khăn đối với chị Thìn và gia đình nữ học viên này.
Chị Trần Thị Lệ Hằng, học viên đến từ Tây Ninh, cũng là một trong những học viên đang phải đương đầu với nghịch cảnh, thiếu ăn, nợ nần, thất nghiệp... trong đại dịch. Đọc những dòng yêu thương mà Hằng gửi đến thầy cô trên trang Facebook thật nghẹn ngào. Hằng viết: "Giữa cái nắng gắt gao ở vùng quê, em như vỡ òa vì xúc động và hạnh phúc vì sự xuất hiện của cô. Cô đã không quản đường xá xa xôi hẻo lánh, lặn lội đến tận nhà để trao cho em món quà từ công ty, thắp lên niềm hy vọng cho căn nhà nhỏ. Với số tiền này, mẹ con em không còn ăn mì gói mỗi ngày, em còn thể trả được 1 phần nợ do trước khi dịch đến, em phải mượn nợ để sửa chiếc xe làm phương tiện đi làm, nhưng chưa kịp đi làm trả nợ thì dịch ập đến với biết bao nỗi lo và gánh nặng trên vai".
Lan tỏa sự tử tế, chung tay chia sẻ với các hoàn cảnh học viên khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những hoạt động cộng đồng tiếp nối cam kết mang lại cuộc sống mới cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn của L'Oréal. Từ năm 2009 đến nay, L'Oréal đã xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nghề cho các gia đình khó khăn trong cả nướ. Trong hơn 11 năm qua, đã có hơn 2.500 gia đình được thay đổi cuộc sống, tạo ra hơn 3.000 việc làm cho xã hội.
Theo cập nhật, từ đại dịch Covid-19, ngành dịch vụ làm đẹp chịu thiệt hại nặng nề do tác động của dịch bệnh, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong ngành là 100%. Tác động của dịch bệnh đến ngành tóc ở quy mô toàn cầu cũng khá nặng nề, khảo sát gần đây của Hiệp hội Tóc toàn cầu cho thấy: 28% thợ tóc đang nằm trong nhóm khẩn thiết cần được giúp để vượt qua nạn đói và hơn 65% chỉ có thể cầm cự trong vòng 1 tháng.
"Chương trình L'Oréal - Lan tỏa sự tử tế (#ActsOfKindness) là hoạt động nhân văn ý nghĩa giúp chúng tôi lan tỏa sự tử tế trong đội ngũ nhân viên và ra đến cộng đồng. Trong những lúc khó khăn, đội ngũ những người làm đẹp như chúng tôi đều mong muốn chia sẻ với cộng đồng ý nghĩa trọn vẹn của ngành làm đẹp. Không chỉ giúp con người chăm sóc hình thể, cái đẹp còn là sự chia sẻ, là mang đến cho con người sự tự tin, niềm hy vọng và những giá trị tinh thần đáng kể, để con người tiếp tục đương đầu với những thử thách trong những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời", bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Phát triển bền vững của L'Oréal, chia sẻ.