Hơn 50% sinh viên đại học của Australia bị quấy rối tình dục

03/08/2017 - 07:19
Hơn 50% sinh viên tại các trường đại học ở Australia bị quấy rối tình dục ít nhất 1 lần trong năm 2016. Phụ nữ có nguy cơ bị tấn công tình dục gấp 3 lần nam giới. Đây là kết quả đáng báo động của một khảo sát được tiến hành trên toàn Australia.
 
sinh-vien-australia-1.jpg
Sinh viên Australia vận động chống nạn quấy rối và tấn công tình dục trong trường đại học.

Cuộc khảo sát được Ủy ban Nhân quyền Australia tiến hành trên 31.000 sinh viên tại 39 trường đại học ở Australia. Cuộc điều tra được tiến hành sau nhiều năm vận động của các tổ chức vì phụ nữ để làm rõ độ nghiêm trọng của vấn nạn quấy rối tình dục ở đất nước này. Kết quả khảo sát cho thấy nữ sinh và các sinh viên thuộc cộng đồng những người đồng tính, song tính, người chuyển giới (LGBT) là những nạn nhân bị quấy rối tình dục nhiều nhất. So với nam giới, phụ nữ có nguy cơ bị tấn công tình dục cao hơn gấp 3 lần và nguy cơ bị quấy rối cao gấp gần 2 lần ở các trường đại học.

kate-jenkins.jpg
Bà Kate Jenkins thuộc Ủy ban Nhân quyền Australia

Bà Kate Jenkins thuộc Ủy ban Nhân quyền Australia nhận định: "Các vụ quấy rối và tấn công tình dục đang diễn ra với mức độ không thể chấp nhận được tại các trường đại học Australia. Tỷ lệ nữ giới bị hại ở các trường đại học cao hơn nam giới. Thống kê này là bằng chứng cho thấy tình trạng bạo lực tình dục đáng quan ngại đối với phụ nữ ở Australia”.
Theo bà Kate Jenkins, các vụ quấy rối và tấn công tình dục xảy ra trong cuộc sống thường ngày của các sinh viên ở khu học xá hoặc xảy ra trong khi giao tiếp với các sinh viên và nhân viên ở trường. 20% số vụ quấy rối tình dục diễn ra trong các sự kiện của trường, vốn đông người tụ tập. 7% sinh viên từng bị tấn công tình dục ít nhất một lần. 

Các trường đại học Australia, với hơn 1 triệu sinh viên theo học, là điểm đến hấp dẫn dành cho các sinh viên quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều nạn nhân của nạn quấy rối và tấn công tình dục, trong đó có cả sinh viên quốc tế, đã không dám lên tiếng về các vụ việc. Phần lớn nói rằng trường của họ không làm hết sức để cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho sinh viên về việc cần phải làm gì, cần tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu.
sinh-vien-australia-2.jpg
Một nạn nhân lên tiếng tố cáo và kêu gọi đảm bảo an toàn cho sinh viên nữ ở trường đại học

Hành vi quấy rối tình dục có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động, gây ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần nạn nhân, thậm chí dẫn tới trầm cảm và khiến họ có ý định tự tử. “Chúng tôi đã nhận được nhiều tin tức về những cô gái bị tấn công tình dục bởi chính những người mà họ mô tả là người bạn thân đáng tin cậy. Ảnh hưởng từ các vụ bị chính bạn bè mình tấn công là rất nghiêm trọng. Một số người cảm thấy lo lắng khi đến trường vì họ sợ phải trông thấy những kẻ đã tấn công mình. Một số trường hợp sợ đến nỗi cùng nhau bỏ học luôn,” bà Jenkins nói. 

“Mức độ quấy rối và tấn công tình dục như vậy là không thể nào chấp nhận được trong các trường đại học, nơi công sở, trong thành phố hay bất cứ nơi nào trong xã hội của chúng ta,” ông Brian Schmidt - Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia (ANU) đưa ra bình luận.
 
Giải pháp cho nạn tấn công tình dục ở các trường đại học
 
Hiện các nhà hoạt động xã hội đang lên tiếng yêu cầu các trường Đại học Australia đề ra cách giải quyết với tình trạng này.
 
Báo cáo khảo sát đã đưa ra một kế hoạch gồm 10 điểm với sáng kiến toàn quốc chống lại nạn quấy rối và tấn công tình dục, bao gồm cả việc thành lập đường dây nóng hỗ trợ 24/24 do chính Cơ quan chống Bạo hành và Hãm hiếp Australia điều hành.
 
Nhiều trường đại học cũng đã tự đưa ra các biện pháp của riêng mình. Theo đó, các trường khuyến khích phát triển một chương trình cải thiện mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trong môi trường học đường, đồng thời huấn luyện đặc biệt cho các nhân viên, sinh viên trong trường cách làm sao đối phó hiệu quả khi có ai đó trình báo bị tấn công tình dục.
rosalind-croucher.jpg
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Australia Rosalind Croucher

Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Australia Rosalind Croucher cho biết những cuộc tập huấn như vậy có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của các vụ quấy rối và tấn công tình dục, thay đổi văn hóa trong trường đại học. “Tôi nghĩ là ở mức độ ủng hộ và can thiệp nhất định khi sự việc xảy ra với ai đó thì cũng chính là một biện pháp hiệu quả trong việc thay đổi văn hóa ứng xử trong trường. Về căn bản thì đó là một động lực, là mục tiêu cho sự thành công,” bà Croucher nói. Bà Croucher cho rằng bản báo cáo rất quan trọng vì nó nhận được sự ủng hộ và tham gia của chính các trường đại học, các sinh viên và giới quản lý đại học.

brian-schmidt.jpg
Ông Brian Schmidt - Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia (ANU)

Còn ông Brian Schmidt khẳng định trường ANU chấp nhận và sẽ áp dụng các khuyến nghị trong bản báo cáo của Ủy ban Nhân quyền. “Số liệu khiến chúng ta bàng hoàng và phải có biện pháp đối phó, phải hành động. Hành động ngay tại ANU, hành động ngay ở khắp các trường đại học và những nơi khác trên khắp đất nước này. Đây không phải là chuyện chỉ làm hôm nay, ngày mai mà phải được thực hiện mãi mãi trong tương lai nữa,” ông Schmidt nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm