Chính trị - Xã hội

Hơn 5.000 người tham gia màn đại Xòe tại Yên Bái

21/09/2019 - 11:24 AM
Hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân trong trang phục dân tộc của người Thái đã tham gia trình diễn màn đại Xòe lớn nhất từ trước tới nay, trong đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò, Yên Bái.

Đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với tên gọi Tinh hoa từ huyền thoại đã diễn ra tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tối 20/9, với sự tham dự của gần 20.000 người. Đây là chương trình do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức, Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật là NSƯT Huyền Thanh.

Đến dự chương trình có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.

 

ng-ch-ng-th-ngc-thnh-y-vin-ban-chp-hnh-trung-ng-ng-ph-ch-tch-nc-cng-ha-xhcn-vit-nam.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự chương trình 
 

Trên sân khấu, những tinh hoa văn hóa đặc sắc nhất của Yên Bái với 30 dân tộc sống xen kẽ và giao thoa đã được tái hiện qua âm nhạc và nghệ thuật, giúp người xem hình dung đầy đủ trọn vẹn về một Yên Bái huyền thoại từ ngàn xưa đến hôm nay thông qua 3 chương: Cuộc thiên di huyền thoại, Hội tụ và giao thoa, Xòe Thái và tinh hoa dân tộc.

Sau màn diễu hành của 30 dân tộc anh em ở Yên Bái, câu chuyện kể về vùng đất này được bắt đầu qua hoạt cảnh Nơi huyền thoại bắt đầu cùng màn 3D mapping độc đáo và lộng lẫy. Một quả bầu khổng lồ từ sự tích về nguồn gốc của các dân tộc anh em của cha ông ta được tái hiện lên sân khấu. Từ đây, ánh sáng 3D mapping bắt đầu chiếu lên quả bầu được xoay tròn những hình ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải và các danh thắng nổi tiếng của Yên Bái. Tiếp đó là màn hội tụ rực rỡ, tưng bừng qua phần thể hiện của hàng trăm diễn viên múa, đại diện cho sự sinh sôi nảy nở, bản làng đông đúc, phồn vinh…

 

tung-duong-va-minh-nht.JPG
Tùng Dương và ca sĩ nhí Nhật Minh thể hiện bản mashup Ing lả ơi, Chiếc khăn piêu.
 

Từ huyền thoại, những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên mảnh đất Yên Bái từ từ hiện lên lôi cuốn người xem qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ. Giọng hát trong veo vút lên trên đỉnh ruộng bậc thang với ca khúc Inh lả ơi do ca sĩ nhí Nhật Minh thể hiện như âm thanh gọi mời, quyến rũ người xem đến mảnh đất này. Tùng Dương xuất hiện trên sân khấu hòa giọng cùng Nhật Minh qua bản mashup Ing lả ơi, Chiếc khăn piêu theo phong cách đương đại rộn ràng sôi động.

 

1.jpg
Thu Hằng với ca khúc "Nhà em ở lưng đồi"
 

Một hình ảnh quyến rũ đến mê người của mảnh đất Yên Bái là những mái nhà sàn êm đềm nơi lưng núi đã được tái hiện qua ca khúc Nhà em ở lưng đồi của ca sĩ Thu Hằng. Tiếp đó là liên khúc Noọng ơi - Theo câu hát Sluong do Sèn Hoàng Mỹ Lam biểu diễn cùng vũ đoàn, đưa người xem đi từ màn múa nón Thái đặc sắc đến với Lễ hội Lồng Tồng nổi tiếng của người Tày. Những đặc sắc của văn hóa các dân tộc Yên Bái tiếp tục cuốn lấy khán giả như lời ca khúc Men say mà Tùng Dương hát hay màn tái hiện đám cưới người Dao thú vị qua bản mashup Điều chưa thấy trong văn tự người Dao - Về bản cùng em của nhóm PB Nation.

 

ti-hin-m-ci-ngi-dao-v-nhm-pb-nation-biu-din.JPG
Tái hiện đám cưới người Dao với phần trình diễn của nhóm PB Nation 
 
ma-nn-thi.JPG
Múa nón Thái 
 

Ca khúc Thu Khau Phạ, một sáng tác của nhạc sĩ Khánh Băng, do nhóm OPlus thể hiện cho thấy một Yên Bái hôm nay tràn đầy sự lãng mạn, tươi trẻ. Những nét tiêu biểu về du lịch của Yên Bái cũng được đưa lên sân khấu qua hình ảnh những cô gái chàng trai đam mê du lịch, những chiếc xe máy “hầm hố” của “dân” phượt.

Vẻ đẹp của đất trời thiên nhiên, của tình người, của những giá trị văn hóa độc đáo đặc sắc của Yên Bái đã thu hút người du lịch muôn phương, và Yên Bái đã trở thành nơi hội tụ. Sự hội tụ, giao thoa ấy đã được kể với người xem bằng màn múa dân tộc Di do đoàn nghệ thuật Châu Hồng Hà (Trung Quốc) thể hiện.

 

mn-ma-dn-tc-l-l-ca-cc-ngh-s-trung-quc.JPG
Màn múa của các nghệ sĩ từ Trung Quốc
 
xoe.jpg
Màn đại Xòe nhìn từ trên cao
 

Đặc biệt, lời mời gọi quyến rũ đến với Yên Bái đã tạo nên những dư âm ngọt ngào qua ca khúc sôi động Nghĩa Lộ chào xuân do các nghệ sĩ tham gia chương trình cùng trình bày. Trên sân khấu, hàng trăm diễn viên múa trong tạo hình những đóa hoa ban trắng hòa quyện trong điệu múa Xòe truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Từ trên sân khấu, điệu Xòe Thái như đóa ban rừng bung nở rực rỡ đã hòa vào điệu Xoè của hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân phủ kín cả sân vận động Mường Lò.

 

u-vin-bch-tw-ng-b-th-tnh-y-ch-tch-hnd-tnh-phm-th-thanh-tr-cng-xo-vi-b-con1.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Trà (giữa) - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái hòa - cùng điệu Xòe với người dân 
 

Nghệ nhân Lò Văn Biến trong vai Già làng trưởng bản thực hiện nghi lễ châm đuốc, mời gọi các trai làng gái bản bằng tiếng Thái cổ để tham gia Đêm hội Xòe. Dàn nhạc dân tộc bắt đầu chơi, các chàng trai cô gái cùng hòa vào giai điệu Xòe, giới thiệu cùng quan khách và du khách 6 điệu Xòe cổ. Trên sân vận động, các nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng vừa Xòe, vừa liên tục di chuyển tạo thành những hình ảnh nổi bật của đất Yên Bái.

 

1nsut-huyn-thanh-tri-v-tng-o-din-o-din-l-hi-yn.jpg
Chỉ đạo nghệ thuật - NSƯT Huyền Thanh (trái) và Tổng đạo diễn Lê Hải Yến 
 

Đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã khai thác triệt để các chất liệu nghệ thuật dân gian của các dân tộc trên đất Yên Bái, kết hợp với phong cách thể hiện đương đại để tạo nên những màn trình diễn thực sự khác biệt cho chương trình. Tổng đạo diễn chương trình đêm khai mạc - đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, ekip đã mất 6 tháng chuẩn bị cho đêm khai mạc công phu và hội tụ được tất cả những nét văn hóa đặc sắc của Yên Bái nhất như vậy.

“Để khai thác tối đa chất liệu dân gian, ekip tổ chức và các đạo diễn đã dành nhiều thời gian đi thực địa và “nằm vùng” tại các bản làng, đến với các vùng sâu vùng xa để tìm hiểu về đời sống, văn hóa của các dân tộc tại Yên Bái. Ngay như phần âm nhạc cũng được các nhạc sĩ tham gia chương trình dày công tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí đến từng bản làng để thu lại những câu nói bằng tiếng Thái cổ, những nhạc cụ dân gian và âm thanh từ cuộc sống để đưa vào trong tác phẩm”, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn